Vậy thì tại sao nhiều nhà tư tưởng hàng đầu ngày nay lại thúc giục chúng ta định nghĩa lại mọi mối quan hệ là hợp đồng? Ý tưởng cho rằng xã hội nên đối xử với cá nhân như những tác nhân độc lập thiết lập hợp đồng dựa trên quyền tự chọn bắt nguồn từ đâu? Ý tưởng đó có lịch sử và chúng ta sẽ phản ứng hiệu quả hơn nếu hiểu được lịch sử đó.
Từ xa xưa, những mối quan hệ cơ bản nhất của con người được coi là xuất phát từ bản chất con người. Những người khác giới bị thu hút bởi nhau và cùng nhau nuôi dạy con cái. Bất chấp các chuẩn mực và nghi lễ đa dạng phong phú xung quanh hôn nhân, thì gia đình hạt nhân vẫn làm nên cốt lõi của xã hội. Trong tư tưởng xã hội Kitô giáo truyền thống, chính Chúa đã thiết lập hôn nhân, gia đình, tôn giáo và nhà nước, và là Đấng xác định bản chất thiết yếu – nhiệm vụ, trách nhiệm và chuẩn mực đạo đức – của chúng.
Sau đó, ở châu Âu đầu thời hiện đại, một tư tưởng mới nảy sinh rằng các mối quan hệ con người không phải là tự nhiên hay nội tại trong bản chất con người – mà là con người đã phát minh ra chúng và do đó con người có thể thay đổi chúng. Ý tưởng kỳ lạ này bắt nguồn từ đâu?
Sau cuộc cách mạng khoa học, mọi người đã rất ấn tượng trước thành công đáng kinh ngạc của nó đến nỗi nhiều người bắt đầu áp dụng những gì họ nghĩ là thế giới quan khoa học vào mọi lĩnh vực kiến thức khác –bao gồm cả lý thuyết xã hội. Đỉnh cao của cuộc cách mạng khoa học là vật lý Newton, trong đó hình dung thế giới vật chất như những nguyên tử va đập trong khoảng không dưới tác động của lực hút và lực đẩy. Phép ẩn dụ tương tự cũng sớm được áp dụng cho thế giới xã hội. Các nhà triết học xã hội đã xây dựng cái mà họ gọi là “vật lý của xã hội” mô phỏng theo vật lý Newton. Xã hội dân sự được mô tả như rất nhiều “nguyên tử” người đến với nhau và “gắn kết” trong nhiều mối quan hệ xã hội khác nhau.8
Hình ảnh này đã làm nảy sinh ra cái gọi là lý thuyết khế ước xã hội, lần đầu tiên được Thomas Hobbes, John Locke và Jean-Jacques Rousseau đề xuất. Nó là cốt lõi của chủ nghĩa tự do cổ điển, cái đã dẫn đến những gì người Mỹ gọi là chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa bảo thủ. Do đó, nó có tác động trên toàn bộ quang phổ chính trị.9 Ngày nay, hầu hết người Mỹ tiếp nhận lý thuyết khế ước xã hội như hơi thở mà họ hít vào. Một giáo sư tại Princeton cho biết đó là giả định vô thức mà sinh viên mang vào lớp học: “Không cần phải đọc một từ nào của Locke, họ vẫn có thể tái hiện khái niệm khế ước xã hội của ông một cách không chút nghi ngờ.”10
Vì đây là lý thuyết đã tạo ra mô hình hợp đồng của xã hội dân sự, nên điều quan trọng là phải nắm bắt được nội dung của nó – và cách nó đang làm suy yếu hôn nhân và gia đình ngày nay.11
Leave a Reply