Câu trả lời của Kinh Thánh không chỉ mang tính lý thuyết. Kitô hữu được kêu gọi để tạo ra một xã hội mẫu mực – tức Giáo hội địa phương – như một dấu chỉ hữu hình về sự hòa quyện giữa tính cá vị và tương quan, giữa sự hiệp nhất và đa dạng. Hội thánh không chỉ là một tập hợp các cá nhân riêng lẻ, mà là một thân thể hiệp nhất, gắn kết bởi một lợi ích chung trong Đức Ki-tô. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đồ Ngài, nài xin Chúa Cha “để họ nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Gioan 17, 11). Chúa Giêsu khẳng định rằng sự hiệp thông giữa các Ngôi Vị trong Ba Ngôi là khuôn mẫu cho sự hiệp thông giữa các thành viên trong Giáo Hội.
“Hội thánh như một toàn thể là hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa, phản ánh mầu nhiệm hiệp nhất trong đa dạng trên trần thế,” Đức Giám mục Chính thống giáo Timothy Ware viết. “Con người được kêu gọi để tái chiếu trên trái đất tình yêu liên vị của Ba Ngôi trên thiên đàng.”78 Và khi chúng ta học cách thực hành sự hiệp nhất trong đa dạng trong Giáo hội, chúng ta có thể mang sự quân bình đó vào tất cả các mối quan hệ xã hội của mình—gia đình, trường học, nơi làm việc, và chính phủ của chúng ta.
Tầm nhìn bao quát này có nghĩa là Kitô giáo không theo chủ nghĩa giản lược: Kitô giáo trân trọng khía cạnh sinh học của con người, nhưng không để mình bị giới hạn bởi điều đó. Các mối quan hệ khởi đi từ trật tự sinh học được Thiên Chúa sử dụng để đào luyện chúng ta trong tình yêu và sự hiệp nhất vượt lên trên bản năng sinh học. Kitô hữu được tái sinh vào một cộng đoàn đã lãnh nhận ơn cứu chuộc – một gia đình thiêng liêng vượt lên trên mọi cộng đoàn tự nhiên.
Ngay cả gia đình, cộng đoàn sinh học nền tảng nhất, cũng không phải là yếu tố xác định căn tính cốt lõi của chúng ta. Chính tương quan của chúng ta với Thiên Chúa mới là điều quyết định. Thánh sử Gioan viết rằng tất cả những ai tin theo Chúa Kitô đều là “con Thiên Chúa. Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa.” (Gioan 1, 12-13). Đây là một lời hứa đầy hy vọng và giải thoát, đặc biệt dành cho những ai lớn lên trong gia đình thiếu lành mạnh hoặc đổ vỡ. Kinh Thánh khẳng định rằng chúng ta có thể vượt qua vết thương của quá khứ nhờ danh tính chính yếu của chúng ta: là con cái của Thiên Chúa.
Quan điểm Ba Ngôi này mang lại sự quân bình tuyệt vời trong thực tiễn. Trong Giáo hội của chúng ta, những khác biệt dựa trên sinh học – gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch—có thể được đón nhận với lòng biết ơn như những hồng ân từ Chúa. Sự đa dạng của chúng ta tạo nên các cộng đoàn đa dạng và phong phú. Ngay cả trên thiên đàng, chúng ta sẽ vẫn được nhận biết là những người đến “từ mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ,” mỗi người với di sản văn hóa riêng của mình (Khải Huyền 7:9). Kitô hữu là những người đa văn hóa thực sự.
Đồng thời, những đặc điểm dựa trên sinh học này không được phép trở thành yếu tố định nghĩa căn tính tối hậu của Kitô hữu, hay chia rẽ họ thành những nhóm thù nghịch. Kitô hữu được kết hợp làm một nhờ sự hiệp thông trong Thánh Thần và niềm vui cứu độ. “Vậy không còn phải phân biệt Hy-lạp hay Do-thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Đức Ki-tô là tất cả và ở trong mọi người.” (Cô-lô-sê 3, 11). Chúng ta được tháp nhập vào một cộng đoàn đã được cứu chuộc, vượt trên mọi ranh giới và chia rẽ nhân loại.
78. Timothy Ware, The Orthodox Church (London, UK: Penguin, 1997), 240; Kallistos [Timothy] Ware, The Orthodox Way (Crestwood, NY: St. Vladimir’s Seminary Press, 2002), 38–39.
Leave a Reply