Chìa khóa để tái thiết xã hội là khôi phục sự tôn trọng đối với các cộng đoàn tự nhiên. Thiên Chúa không tạo ra con người như những con người đơn lẻ, thiếu kết nối. Ngài tạo ra chúng ta để có mối quan hệ với nhau. Nguồn gốc con người được mô tả trong Kinh Thánh không phải là những cá nhân đơn độc, tách biệt trong trạng thái tự nhiên. Hình ảnh của Kinh Thánh là của một cặp đôi, liên kết với nhau ngay từ đầu trong thể chế hôn nhân. Giáo lý của Kinh Thánh về sáng thế cho chúng ta biết rằng hôn nhân và gia đình là một kiểu mẫu xã hội được thiết lập từ ban đầu và ăn rễ sâu trong bản tính của con người. Bản chất cốt yếu của nó không thể được tuỳ ý thay đổi. Bất kỳ mưu đồ không tưởng nào nhằm loại bỏ gia đình như một thể chế căn bản sẽ dẫn đến sự tự hủy hoại, bởi vì điều đó đi ngược lại với trật tự thụ tạo mà Thiên Chúa đã thiết lập cho con người.
Tuy nhiên, đạo đức Kinh Thánh không phải là một gánh nặng giam hãm con người. Trong suốt lịch sử và trên khắp thế giới, nhân loại đã thể hiện sự phong phú trong cách thể hiện cấu trúc căn bản của hôn nhân và gia đình—các vai trò xã hội khác nhau giữa vợ và chồng, các quy ước đa dạng trong việc dưỡng dục con cái, những cách thức chia sẻ trách nhiệm kinh tế, và sự khác biệt về quy mô cũng như hình thức của gia đình và đại gia tộc. Thiên Chúa đã ban cho con người rất nhiều tự do trong cách họ định hình và tái định hình trong khuôn khổ của nguyên lý thụ tạo do Ngài đặt định.
Nền tảng của lý thuyết xã hội Kitô giáo là mầu nhiệm Ba Ngôi.75 Thiên Chúa là sự kết hợp hiệp nhất hoàn hảo giữa Ba Ngôi Vị: Cha, Con và Thánh Thần—ba Ngôi hiện hữu trong tương quan mật thiết đến mức trở thành một Thiên Chúa duy nhất. Thiên Chúa không phải là một vị thần đơn độc mang nhiều hình thức khác nhau, cũng không phải là ba vị thần riêng biệt dẫn đến đa thần. Theo ngôn ngữ thần học truyền thống, Thiên Chúa là một bản thể trong ba Ngôi Vị. Cả hai chiều kích này đều chân thực, đều tuyệt đối, và không thể tách rời khỏi bản tính thần linh của Ngài.
Điều này có thể thoạt nghe như một nghịch lý, cho đến khi ta nhận ra rằng thực tại tối hậu chính là một sự hài hòa hoàn hảo giữa cá tính và tương quan. Như các triết gia thường nói, thực tại đó vừa là sự duy nhất, vừa là sự đa dạng; vừa là cái một, vừa là cái nhiều. Mỗi Ngôi Vị trong Ba Ngôi đều hoàn toàn riêng biệt, nhưng hiệp thông trọn vẹn đến mức trở thành một Thiên Chúa duy nhất. Tương tự, như John Wyatt viết, “mỗi con người là độc nhất, nhưng được tạo ra để có mối quan hệ với những người khác. Nhân tính không phải là một điều gì đó con người có thể sở hữu một cách cô lập—trong nhãn quan Kitô giáo, đó là một thực tại mang tính liên kết.”76
Từ tiếng Do Thái diễn tả “sự hiệp nhất” được dùng cho cả Thiên Chúa và hôn nhân: “Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe: ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất [echad]” (Đnl 6,4). Và người nam và người nữ “sẽ trở nên một xương một thịt [echad]” (St 2,24). Điều này cho thấy rằng con người không chỉ phản ánh hình ảnh Thiên Chúa trong tư cách cá nhân, mà còn trong các mối tương quan của mình—đặc biệt là trong giao ước hôn nhân.
Đâu là lần đầu tiên trong Kinh Thánh mà Thiên Chúa tuyên bố điều gì đó là “không tốt”? Đáng ngạc nhiên hơn nữa là nó xảy ra trước khi tội lỗi xuất hiện—trước khi tội lỗi và sự ác xâm nhập vào thế giới. Sau khi tạo dựng A-đam, Thiên Chúa phán, “Con người ở một mình thì không tốt” (Sáng thế 2,18). Câu chuyện trong sách Sáng thế nhấn mạnh rằng con người được dựng nên để sống trong mối tương quan, chứ không phải để sống cô lập.
Điều đó ngụ ý rằng, trái ngược với thuyết khế ước xã hội, con người không phải những cá thể tự trị, vốn dĩ tách biệt, rồi mới sau đó lựa chọn liên kết. Các mối quan hệ không phải do các cá nhân thiết lập hoặc hủy bỏ theo ý muốn. Chúng là một phần của trật tự của thế giới thụ tạo và do đó “rất tốt lành” (Sáng thế 1,31). Và những đòi hỏi đạo đức mà các mối quan hệ đưa ra đối với chúng ta không phải là những sự áp đặt trên tự do của chúng ta mà là sự thể hiện bản chất thật của chúng ta. Bằng cách tham gia vào các thiết lập của xã hội văn minh như gia đình, nhà thờ, nhà nước, và xã hội dân sự, chúng ta được kiện toàn trong chính căn tính xã hội của mình. Chính trong những tương quan ấy, con người rèn luyện các nhân đức, và từng bước được chuẩn bị để đạt đến cùng đích của đời mình: trở thành công dân của Nước Trời.
75. On the social implications of the Trinity, see my books Total Truth, 132–33, 138, and Finding Truth, 130–31, 209–12; and Stanley Grenz, The Social God and the Relational Self: A Trinitarian Theology of the Imago Dei (Louisville: Westminster John Knox, 2001). See also John D. Zizioulas, Being As Communion: Studies in Personhood and the Church (Crestwood, NY: St. Vladimir’s Seminary Press, 1985); Miroslav Volf, After Our Likeness: The Church as the Image of the Trinity (Grand Rapids: Eerdmans, 1998), especially chapter 5, “Trinity and Church.”
76. Wyatt, “What Is a Person?”
Leave a Reply