Mục tiêu của các nhà lý thuyết về khế ước xã hội – Hobbes, Locke và Rousseau – là suy xét lại hoàn toàn về nền tảng xã hội dân sự. Họ đưa ra giả thuyết: bản chất con người sẽ như thế nào nếu chúng ta xóa bỏ hàng thế kỷ tích lũy về đạo đức, luật pháp, phong tục, truyền thống, thể chế xã hội và tôn giáo (đặc biệt là tôn giáo)? Nếu chúng ta từ bỏ nền văn minh để chạm đến bản chất trần trụi của con người, thì ta sẽ thấy gì?
Các nhà lý thuyết về khế ước xã hội đã tưởng tượng ra một thời điểm nào đó trước khi nền văn minh hình thành, khi con người được cho là tồn tại trong tình trạng nguyên thủy. Họ gọi đây là “trạng thái tự nhiên”. Khi đó vẫn chưa có hôn nhân, gia đình, giáo hội, nhà nước, xã hội dân sự. Tất cả những gì tồn tại đều là những cá nhân tách biệt, tự chủ, chỉ được thúc đẩy bởi bản năng tự bảo vệ. Đây là những “cá nhân” tồn tại trước mọi thể chế xã hội.
Từ thuở ban đầu, chỉ có những cá nhân và không gì khác. Hobbes thậm chí còn yêu cầu chúng ta “nhìn nhận con người như những cây nấm, tức là như những thực thể sinh học không có bất kỳ nghĩa vụ nào với nhau.”12
Và nếu con người thuở sơ khai giống như những cây nấm, không có nghĩa vụ tự nhiên, thì các mối quan hệ xã hội đến từ đâu? Trả lời: Chúng được tạo ra theo sự lựa chọn. Giống như các nguyên tử của Newton, các cá nhân đến với nhau và gắn kết theo nhiều cách sắp xếp khác nhau để thúc đẩy sự hứng thú.
Ý nghĩa của phép so sánh này là gì? Đầu tiên, nó có nghĩa là bản chất con người vốn cô độc. Các mối quan hệ chỉ sinh ra do con người chọn phát kiến ra nó. Và nếu các mối quan hệ được tạo ra bởi sự lựa chọn, thì chúng cũng có thể bị loại bỏ và tái định nghĩa, theo bất kỳ cách nào chúng ta muốn.
Thứ hai, khi ta coi con người như nấm, thì con người không còn phải đáp ứng những nghĩa vụ xã hội vì lí do đạo đức, công lý, hay lợi ích chung. Thay vào đó, con người có thể thực hiện nghĩa vụ xã hội vì tính toán thực dụng — người ta chỉ sống có trách nhiệm nếu có lợi cho họ. Xã hội chỉ là một tập hợp các cá nhân khẳng định mong muốn của họ. Nguồn gốc duy nhất của nghĩa vụ đạo đức là ý chí của cá nhân.
Theo cách này, lý thuyết khế ước xã hội quy giản mọi mối quan hệ thành, ừm, hợp đồng. Lý thuyết này phá hủy mọi mối quan hệ huyết thống và chỉ tập trung vào mối quan hệ tùy chọn. Nguyên lý cơ bản của nó là: không một cá nhân nào phải gánh nghĩa vụ mà họ không muốn gánh. Ý tưởng này luôn được hiểu theo nghĩa là, một cá nhân sẽ không phải chịu sự kìm kẹp của quy ước xã hội, truyền thống, phân chia giai cấp, và xiềng xích của quá khứ. Đó là lý do tại sao tác phẩm có ảnh hưởng nhất của Rousseau, Khế ước xã hội, mở đầu bằng câu nói nổi tiếng, “Con người sinh ra tự do, song ở khắp mọi nơi họ đều bị xiềng xích”. Khế ước được coi là cơ sở phù hợp duy nhất cho một xã hội tự do, vì nó dựa trên sự lựa chọn, và do đó bảo tồn quyền tự chủ của con người thuở ban đầu.
12. Thomas Hobbes, On the Citizen, ed. Richard Tuck and Michael Silverthorne (New York: Cambridge University Press, 1998), 102.
Leave a Reply