Câu trả lời của Kinh Thánh đối với thuyết khế ước xã hội là: con người không sáng tạo ra hôn nhân. Trái lại, chúng ta bước vào một thể chế được thiết lập bởi Thiên Chúa, đã có từ thuở ban đầu, với một cấu trúc chuẩn mực vốn có. Như cách diễn đạt đầy trang trọng của các nghi thức hôn phối cổ xưa: chúng ta “bước vào cõi thánh thiêng của hôn nhân”.
Ngôn ngữ này có thể nghe trừu tượng, nhưng hãy nghĩ theo cách này: bất kỳ ai đã từng trải qua một mối tương quan mật thiết đều biết rằng mối quan hệ đó vượt lên trên tổng hòa những gì hai cá nhân mang lại. Bạn sẽ nghe các cặp đôi nói về “bạn”, “tôi”, và “mối quan hệ”. Đôi khi họ sẽ nói, “Chúng ta cần phát triển mối quan hệ”. Họ cảm nhận rằng mối quan hệ của họ là một thực tại sống động, vượt lên trên hai cá thể riêng biệt.
Hôn nhân là một thực thể đạo đức, lôi kéo con người vào một thực tại vượt khỏi giới hạn cá nhân của chính họ. Truyền thống Kitô giáo gọi điều này là “lợi ích chung”: một “sự thiện” dành riêng cho mỗi cá nhân trong mối quan hệ (mục đích đạo đức Thiên Chúa dành cho từng người), và một “lợi ích chung” cho cuộc sống vợ chồng (mục đích Thiên Chúa dành cho giao ước hôn nhân). Lợi ích chung này làm phong phú cuộc sống của chúng ta theo cách mà chúng ta không thể nào đạt được nếu sống như những cá nhân hoàn toàn tự trị.
Cuối cùng, hôn nhân không phải là mục đích tối hậu. Mục đích tối hậu khi hai con người bước vào hôn nhân là để chiêm ngắm vinh quang Thiên Chúa và cộng tác vào lợi ích chung của cộng đoàn. John Cotton, một nhà thần học Thanh giáo, cảnh báo các cặp đôi rằng đừng để mình “bị cuốn hút quá mức bởi tình cảm” dành cho nhau đến nỗi “mục tiêu [của họ] không vượt ra khỏi chính cuộc hôn nhân ấy”. Thay vào đó, họ nên coi hôn nhân là một khí cụ để “giúp họ sẵn sàng hơn cho công việc phụng sự Thiên Chúa và đưa họ đến gần Ngài hơn.”77
Trái ngược với thuyết khế ước xã hội, Kitô giáo dạy rằng trật tự xã hội và chính trị không chỉ là sản phẩm của các cá nhân tự trị nhằm bảo vệ quyền lợi riêng. Nó là một phần của trật tự sáng thế, là môi trường mà trong đó toàn thể bản tính con người được hình thành và triển nở để đạt đến cùng đích là sự hiệp thông với Thiên Chúa. Động lực sâu xa của đời sống xã hội không phải là bản năng vị kỷ, mà là những lý tưởng đạo đức cao cả như công lý, lòng thương xót, bổn phận, phục vụ, và tình yêu hy sinh.
77. Cited in Taylor, Sources of the Self, 223, 224, 226.
Leave a Reply