Nhiều nhà đạo đức học đưa ra những lập luận ủng hộ phá thai, và tuyên bố rằng chúng ta không có nghĩa vụ với người khác trừ khi ta muốn. Cơ thể của người mẹ không được coi là hướng đến đứa con của mình một cách tự nhiên. Thay vào đó, tình mẫu tử bị định nghĩa lại theo mô hình của một hợp đồng xã hội—đứa bé trong bụng mẹ bị coi là kẻ xâm phạm tài sản riêng và cần có một thỏa thuận chính thức với mẹ để tiếp tục sống. Một nhà nữ quyền đã viết, “Tôi sở hữu cơ thể của mình và tôi quyết định những gì tôi cho phép phát triển trong đó.”24
Một số lập luận còn đi xa hơn khi coi đứa trẻ chưa chào đời như một kẻ xâm lược phải bị ngăn chặn để không làm hại người mẹ. Một bài viết trên blog cánh tả Daily Kos đã nói thẳng thừng: “Thai nhi là một loài ký sinh trùng chết tiệt và nó xâm chiếm cơ thể người mẹ như một loài ký sinh trùng vậy.” Ở cấp độ học thuật hơn, nhà khoa học chính trị Eileen McDonagh viết rằng nếu thai nhi “khiến một người phụ nữ mang thai mà không có sự đồng ý của cô ấy, thì điều đó vi phạm nghiêm trọng đến sự toàn vẹn và quyền tự do của cơ thể cô ấy. . . . Sự tồn tại áp đặt của thai nhi cấu thành những tổn thương đủ để biện minh cho việc sử dụng vũ lực để ngăn chặn nó.”25 Phá thai được coi là một hành động tự vệ chống lại kẻ xâm nhập.
Tuy nhiên, không đúng khi nói rằng chúng ta có trách nhiệm với mọi người chỉ khi ta muốn. Chúng ta có trách nhiệm với những người mà chúng ta có kết nối sinh học – không chỉ con cái mà còn cả cha mẹ, anh chị em và ông bà của chúng ta. Như các nhà triết học Patrick Lee và Robert George đã tóm tắt: “Việc bỏ qua hoặc hạ thấp những trách nhiệm đến từ ràng buộc máu mủ- tuyên bố rằng mọi nghĩa vụ đều phải dựa trên sự đồng thuận – đây là một biểu hiện khác của sự coi thường cơ thể con người”.26 Nghĩa là, đó là một biểu hiện khác của thuyết nhị nguyên hai tầng cơ thể/nhân vị. Một quan điểm thấp về cơ thể dẫn đến sự hạ thấp các mối liên kết sinh học.
Mối quan hệ sinh học vượt ngoài sự lựa chọn lý trí đơn thuần. Hãy xem xét mối liên kết giữa mẹ và con. Trong thời kỳ mang thai, cơ thể người mẹ sản xuất oxytocin, hormone liên kết, giúp bà hình thành sự gắn bó chặt chẽ với đứa con mới sinh của mình.27 “Tôi chưa bao giờ là người thích trẻ con. Tôi có thể có con hay không cũng được,” Patricia Samuelsen, bạn tôi, nói với tôi. “Nhưng khi đứa con đầu lòng của tôi được đặt vào vòng tay tôi, tôi đã trải qua cảm xúc không gì có thể diễn tả được.”
Tôi cũng có trải nghiệm tương tự khi sinh đứa con đầu lòng. Nhiều bà mẹ mới sinh cho biết họ hoàn toàn không ngờ được mức độ sâu đậm của tình mẫu tử.
Mối quan hệ gắn bó giữa cha và trẻ sơ sinh cũng có thể mãnh liệt như vậy. Các nghiên cứu cho thấy rằng việc bế con sẽ kích thích giải phóng oxytocin ở những người cha.28 Một người mới làm cha đã viết rằng khi anh ấy bế đứa con trai mới sinh của mình lần đầu tiên, “như thể phản ứng hóa học trong não tôi đã thay đổi đáng kể, khi tôi nhận ra rằng đứa con tuyệt vời mà tôi đang ôm trong tay giờ đây sẽ là trách nhiệm thiêng liêng quan trọng nhất trong cuộc đời tôi.”29
Bài viết của ông có tựa đề “Thiên chức làm cha đã giết chết sự hoài nghi trong tôi”.
Một trong những sinh viên của tôi, Will Roberts, mô tả một trải nghiệm tương tự. Khi còn là sinh viên đại học, anh đã khiến bạn gái mười bảy tuổi của mình mang thai. Vì trường đại học cách nhà một giờ lái xe, theo lời anh, “Tôi không thực sự chăm sóc cô ấy khi cô ấy mang thai. Tôi chỉ ở trường đại học và vui chơi, dành toàn bộ thời gian và năng lượng của mình vào các lớp học”. Nhưng khi anh ấy đi cùng bạn gái đến bệnh viện để sinh con, anh ấy đã vô cùng kinh ngạc trước cường độ cảm xúc của mình: “Khoảnh khắc con trai tôi chào đời, toàn bộ suy nghĩ và tình yêu của tôi đã thay đổi, và vào thời điểm tôi bế con lần đầu tiên, sự thờ ơ của tôi đã kết thúc. Tôi yêu thương con trai mình vô cùng! Con là một phép màu của Chúa, và tôi không thể giải thích được tình yêu vô điều kiện của mình dành cho con”. Trải nghiệm mãnh liệt đó đã gắn kết cặp đôi lại với nhau và họ quyết định kết hôn.
Kết nối sâu sắc này không phải là sản phẩm của sự lựa chọn lý trí đơn thuần. Nó là thứ gì đó sâu sắc hơn nhiều. Nó bắt nguồn từ bản chất của chúng ta.
Những mối liên kết tự nhiên của chúng ta đặt ra những đòi hỏi về mặt đạo đức đối với chúng ta, những đòi hỏi này truyền cảm hứng cho chúng ta trưởng thành và chín chắn. Trong bộ phim kinh điển The Magnificent Seven, một tay súng do Charles Bronson thủ vai đã nói với một nhóm trẻ em trai trong làng rằng, “Các người nghĩ tôi dũng cảm vì tôi mang theo súng. Nhưng cha của các người dũng cảm hơn nhiều vì họ gánh vác trách nhiệm: đối với các người, với anh chị em của các người, và với mẹ của các người. . . . Họ làm điều đó vì họ yêu các người, và họ muốn như vậy. Tôi chưa bao giờ có được lòng dũng cảm như vậy.”30
Khi chúng ta chấp nhận những trách nhiệm đạo đức bắt nguồn từ những ràng buộc tự nhiên của mình, chúng ta sẽ sâu sắc hơn. Chúng ta trở nên dũng cảm.
24. Lindy West, “I Set Up #ShoutYourAbortion Because I Am Not Sorry, and I Will Not Whisper,” The Guardian, September 22, 2015.
25. Sasharusa, “The Fetus Is a Parasite / Thai nhi là một ký sinh trùng,” Daily Kos, April 15, 2012; Eileen McDonagh, Breaking the Abortion Deadlock: From Choice to Consent (New York: Oxford University Press, 1996). Tuy nhiên, Peter Baklinski phản biện lại lập luận này:
Khoa học vẽ ra một bức tranh hoàn toàn khác về mối quan hệ thực tế giữa một đứa bé trong bụng mẹ và người mẹ của nó, cho thấy rằng, thay vì là một ký sinh trùng, đứa trẻ chưa sinh có thể giúp mẹ mình hồi phục trong suốt phần đời còn lại, khi các tế bào có lợi từ đứa trẻ đi vào cơ thể người mẹ trong suốt thai kỳ… Một loại tế bào thai nhi mà đi vào cơ thể mẹ là tế bào gốc của đứa bé. Tế bào gốc có những “tính năng kỳ diệu” mà Pinctott gọi là vì chúng có thể “biến hóa” thành các loại tế bào khác thông qua một quá trình gọi là phân hóa. Tế bào gốc thai nhi của đứa bé thực sự có thể trở thành các tế bào của chính người mẹ, tạo thành gan, tim hay não của cô ấy… Tế bào gốc thai nhi của đứa bé di chuyển đến các vị trí tổn thương của mẹ và tự hiến mình như một liệu pháp chữa lành, trở thành một phần của cơ thể người mẹ. (Peter Baklinski, “Just a ‘Parasite’ / Chỉ là ‘Ký sinh trùng”? Cutting Edge Science Shows Fetal Cells Heal Mother for Life,” LifeSite News, January 4, 2012)
26. Lee and George, Body-Self Dualism in Contemporary Ethics and Politics, 147, 149. Như David Crawford viết, chủ nghĩa tự do giả định rằng “khi nói đến các thể chế và hành động công cộng, con người về bản chất không có giới tính hay gia đình. Cá nhân ấy chỉ có thể liên kết với những điều này thông qua một hành vi lựa chọn, được xem là hoàn toàn tùy ý từ quan điểm công cộng.” Do đó, chủ nghĩa tự do “ngầm giả định một quan điểm nhị nguyên về con người, theo đó cơ thể bị giảm xuống thành một thực thể phi cá nhân, chỉ có thể liên kết riêng tư với lĩnh vực tự do và tâm linh của con người thông qua một hành vi lựa chọn hoặc theo những khuynh hướng bẩm sinh của một cá nhân.” “Recognizing the Roots of Society in the Family, the Foundation of Justice,” Communio 34 (Fall 2007): 409.
27. M. Galbally, A. J. Lewis, M. V. Ijzendoorn, and M. Permezel, “The Role of Oxytocin in Mother-Infant Relations: A Systematic Review of Human Studies,” Harvard Review of Psychiatry 19, no. 1 (January–February, 2011).
28. Alan Boyle, “This Is Your Brain on Fatherhood: Dads Experience Hormonal Changes Too, Research Shows,” NBC Science News, June 15, 2013.
29. Nathan Rabin, “Fatherhood Killed the Cynic in Me,” Yahoo News, July 4, 2015.
30. The Magnificent Seven, directed by John Sturges (Beverly Hills, CA: United Artists, 1960).
Leave a Reply