“Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15, 12). “Điều răn mới” này của Chúa Giêsu đã tóm tắt chính ý nghĩa của sự sống. Đó là giới răn mà Thiên Chúa đã khắc ghi ngay từ lúc đầu, không phải trên bia đá, nhưng trong mầu nhiệm về thân xác chúng ta, mầu nhiệm về tính dục, giới tính và hôn nhân.
Chúa Kitô đã yêu chúng ta như thế nào? “Đây là Mình Thầy… hiến tế vì anh em… Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng Máu Thầy, Máu đổ ra vì anh em” (Lc 22, 19–20). Đây là những lời hôn ước của Chúa Giêsu, trao gửi cho Hiền thê của Người trong Bữa Tiệc Ly, như là cách thể hiện ngôn ngữ trái tim bằng lời. Sau đó, khi Người nằm xuống “chiếc giường cưới trong loan phòng, là cây thập giá”, Người biểu lộ cũng chính tình yêu giao ước ấy, nhưng không dùng lời nữa, mà bằng ngôn ngữ của thân xác Người. Bằng cách này, Chàng rể là Chúa Kitô đã cho ta thấy “tới cùng” thế nào là tình yêu phu thê, tình yêu ấy mời gọi ta làm chi, đòi hỏi nơi ta những gì, và phần thưởng to lớn mà tình yêu ấy dành tặng cho những ai biết phó thác vào ân sủng và lòng thương xót của Chúa, và gắn bó với chân lý về tình yêu phu thê bằng cả trái tim mình – cho dù họ có thiếu sót, yếu đuối hay tội lỗi gì chăng nữa.
Nếu không có sự tín thác vào ân sủng và lòng thương xót của Chúa, thì cũng chính những thiếu sót, yếu đuối và tội lỗi ấy sẽ hướng ta cách mãnh liệt tới một thứ “tình yêu” phủ đầy ích kỷ và vị kỷ. Bởi thế, chúng ta phải thường xuyên thử thách bản thân để loại trừ ra khỏi tình yêu chân chính những gì là méo mó, là sai lệch, bằng cách đối chiếu hết cả những gì chúng ta có thể gọi là “tình yêu” với tình yêu chân thật của Đức Kitô.
Chúa Kitô đã yêu như thế nào? Trước hết, Người hoàn toàn tự do trao ban chính mình (mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hi sinh mạng sống mình – Ga 10, 18). Thứ hai, Người trao ban trọn vẹn con người mình, mà không hề giữ lại điều gì, cũng chẳng có đưa ra điều kiện hay tính toán chi li ích kỷ (Người yêu thương họ đến cùng – Ga 13, 1). Thứ ba, Người trao ban chính mình cách trung tín (Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế – Mt 28, 20). Và thứ tư, sự dâng hiến của Người quả thật phát sinh hoa trái (Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào – Ga 10, 10). Nếu người nam và người nữ nói lên ngôn ngữ chân thật nơi thân xác họ, họ phải tiếp tục học và học nhiều hơn nữa để mở cõi lòng mình ra mà đón nhận tình yêu của Chúa Kitô, để cho tình yêu ấy sinh hoa trái nơi họ, nhờ đó mà, tới lượt họ, họ có thể sẻ chia cho nhau cũng một tình yêu tự do, trọn vẹn, trung tín và sinh hoa trái.
Khi hai vợ chồng dâng hiến cho nhau một tình yêu như thế, điều đó được gọi là hôn nhân. Thật vậy, đây cũng chính là điều mà nàng dâu và chàng rể làm trước bàn thờ cung thánh. Vị linh mục hay phó tế hỏi họ: “Hai anh chị có tự do và thực lòng đến đây, chứ không bị ép buộc, để kết hôn với nhau không? Khi chọn đời sống hôn nhân, anh chị có sẵn sàng yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời không? Anh chị có sẵn sàng yêu thương đón nhận con cái mà Chúa sẽ ban, và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội Thánh không?”. Khi nàng dâu và chàng rể đáp “thưa có”, thì cụm từ “thưa có” ấy diễn tả ngôn ngữ trong trái tim họ: phải, đây là điều chúng con muốn, đây là điều chúng con khát khao – yêu như Chúa Kitô đã yêu. Đến lượt họ, đôi vợ chồng cũng phải bộc lộ từ “thưa có” ấy, thứ ngôn ngữ từ trái tim ấy, cùng với ngôn ngữ của thể xác, mỗi khi cả hai kết hợp để nên thành một thân thể. ĐGH Gioan Phaolô II viết: “thật vậy, câu nói ‘anh/em nhận em/anh làm vợ/chồng’, chỉ có thể được hoàn tất nhờ sự giao hợp vợ chồng” (TOB 103, 2; ngày 5 tháng 1 năm 1983).
Nói cách khác, sự giao hợp vợ chồng là nơi mà những lời hôn ước trở nên xác thịt. Đó là nơi người chồng và người vợ được gọi để tình yêu Thiên Chúa được nhập thể nơi họ. Đạo đức tính dục của Giáo Hội bắt đầu trở nên đẹp đẽ và đầy sức thuyết phục khi nền đạo đức ấy được hiểu trong ánh sáng thần linh. Giáo huấn của Giáo Hội không phải là một loạt những điều cấm cản. Nhưng nó là lời mời gọi hãy sống theo đúng sự vĩ đại, đúng theo phẩm giá mà Thiên Chúa đã trao tặng cho chúng ta. Đó là lệnh mệnh hãy thi hành tiếng gọi từ trong Phúc Âm: hãy yêu như Chúa Kitô đã yêu. “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki–tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh” (Ep 5, 25).
Tất nhiên, trong khía cạnh này, không hề có bất cứ ai đang chung sống với nhau mà không có hôn thú, lại có thể yêu nhau cách hoàn hảo. ĐGH Phanxicô đã rất đúng khi ngài công nhận rằng “Ngôn ngữ của thân xác đòi hỏi học tập kiên trì để biết diễn giải và phải giáo dục những ham muốn của mình để thật sự tự hiến”. Nhưng, ngài kết luận rằng: “Không được đặt lên hai con người đầy giới hạn cái gánh nặng to lớn của việc phải thể hiện lại cách hoàn hảo mối kết hợp giữa Đức Kitô và Hội thánh, vì hôn nhân – xét như một dấu chỉ”.30
Tuy nhiên, ĐGH Gioan Phaolô II lại nói: “Điều được biết như là ‘luật tiệm tiến’, hay ‘tiến trình từng bước’, không thể bị xem là tương đương với ‘sự tiệm tiến của lề luật’, như thể có nhiều cấp độ khác nhau… trong lề luật của Thiên Chúa, dành cho từng cá nhân và từng trường hợp khác nhau.”31
Nếu chúng ta thay đổi Thiên Luật – luật yêu thương – chỉ vì nó quá khó giữ và chúng ta thì quá bất toàn, thì cũng có nghĩa là chúng ta đồng tình với việc ủng hộ các đôi vợ chồng xâm phạm lời hôn ước trong một số tình huống nhất định. Thực tế thì, đây lại chính xác là điều đang đe dọa sự duy trì giáo huấn của thông điệp “Sự sống con người / Humanae Vitae”.
30 ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia 284, 122.
31 ĐGH Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio 34
Leave a Reply