Thần học thân xác của người nam
Khi đang đọc sách này, những ai đã từng cảm thấy cuốn hút bởi người cùng giới có thể sẽ tự hỏi những tư tưởng thần học này thì liệu có gì liên quan tới họ. Họ có thể nghĩ rằng “Tôi không có những khát vọng “Chúa ban” với phụ nữ. Tôi muốn làm bạn với con gái, nhưng tôi không cảm thấy cuốn hút mãnh liệt khi tôi nhìn vào họ”. Người nào cảm thấy thế thì phải biết anh ấy không cô đơn. Mỗi con người sẽ có trải nghiệm hậu quả của tội tổ tông theo cách khác nhau.
Tội tổ tông khiến cho tri thức của ta bị đen tối, ý chí suy yếu và khẩu vị rối loạn. Một ví dụ của người nam có tri thức bị đen tối có thể là người chồng không cảm thấy tội lỗi khi ngoại tình. Một ví dụ của ý chí suy yếu có thể là một chàng trai không có khả năng chống cự cơn cám dỗ dù là nhỏ nhất. Ví dụ của khẩu vị rối loạn đó là người nam cảm thấy thu hút tính dục đối với trẻ em hoặc một dục vọng điên cuồng khao khát trải nghiệm các loại hình tình dục mới. Trong mỗi trường hợp, tội tổ tông được hiện hình dưới các hình thức khác nhau.
Khi nghe điều này, một số sẽ nghĩ “Thật khủng khiếp! Có thật rằng Giáo hội đang nói cho những người này biết rằng khát vọng của họ là rối loạn hay không?” Phải. Nếu Giáo hội giữ im lặng, đó là tội không thể tha thứ, giống như một bác sĩ vì không muốn làm phật lòng bệnh nhân mà đã không nói cho họ biết sự thật về kết quả chụp phim Xray. Bạn có thể tưởng tượng được không nếu một bệnh viện bị tố cáo vì phát ngôn thù ghét, chỉ bởi vì bệnh viện khăng khăng rằng bệnh nhân của họ bị bệnh? Những kẻ tấn công bệnh viện như thế thật ra đang làm hại bệnh nhân bằng cách nói cho bệnh nhân rằng họ không cần chữa trị.
Nếu khát vọng tính dục của một người nam đối với một người nam khác là không rối loạn, vậy tại sao hệ thống sinh sản của một người nam lại không thể có khả năng kết hợp với với hệ thống sinh sản của một người nam khác? Theo bản chất, tính dục của con người được thiết kế để truyền sinh. Chia cắt sự truyền sinh với tính dục thì cũng như chia tách việc tiêu hóa ra khỏi việc ăn uống. Thứ này tồn tại vì thứ khác, và chia tách cả hai thì không tốt cho sức khỏe cũng như không hợp tự nhiên.
Một khi nói đến đồng tính luyến ái, nguyên nhân của những hấp dẫn này không phải lúc nào cũng dễ trả lời. Một số người nam giải thích rằng họ không cảm nhận được sự nam tính bởi họ không có được sự giúp đỡ về mặt cảm xúc từ cha của họ. Một số khác nói rằng họ không bao giờ có thể đứng chung với các bạn nam khác. Để lấp vào chỗ trống, họ thèm khát tình yêu nam tính và sự đón nhận theo cách quyết liệt. Một số khác mang vết thương bị lạm dụng tính dục, và họ đổ lỗi cho sự rối loạn tính dục là đến từ những lạm dụng họ trải qua. Nhiều người không trải qua bất cứ những điều trên, nên không thể giải thích lý do của những hấp dẫn rối loạn nơi họ.
Không cần biết đến nguyên nhân, đồng tính luyến ái nơi người nam vẫn luôn là một nỗ lực được hiệp nhất với nữ tính, mà trong đó sự nam tính của người nam vẫn còn tồn tại và được xác nhận. Tuy vậy, thay vì hiệp nhất với người nữ về thể lý, một số người nam với xu hướng đồng tính lại tự nhận họ là nữ về mặt tâm lý. Nếu bạn nghĩ về điều này, bạn có thể nói rằng điều này là trái ngược với một “dân chơi” vô tâm, là những kẻ, bằng cách méo mó, nên một với phụ nữ về thể lý, nhưng lại bỏ lơ những phẩm chất khác mà cô ấy sở hữu. Đức khiết tịnh cho phép người nam vượt trên những khuynh hướng này và sống đời thánh thiện – bất kể những hấp dẫn anh ta cảm thấy.
Ảnh hưởng của tội tác động lên mỗi người và gây hại cho mối quan hệ giữa con người. Tuy nhiên, không có một vết thương, một sự nghiện ngập hay yếu đuối nào vượt quá khả năng chữa lành đến từ ơn cứu chuộc của Chúa Kitô. Bạn có thể gặp khó khăn khi tin rằng sự thay đổi như thế là điều không thể. Bạn có thể sợ rằng bạn sẽ đánh đổi rất nhiều để thay đổi. Duy một mình Chúa Kitô mới có thể mang lại câu trả lời cho những vấn nạn về tình yêu và cuộc sống. Nhưng, như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói rằng: “Ngay cả khi những câu trả lời đó có tính đòi hỏi rất nhiều, những người trẻ không hề sợ chúng, và hơn thế, họ còn trông đợi chúng.”[20]
[20] John Paul II, Crossing the Threshold of Hope, 124.
Leave a Reply