Sam: Thưa cha, Kinh Thánh thật sự nói gì về đồng tính? Con đã từng nghe có người nói Kinh Thánh thẳng thừng lên án chuyện đó, người khác lại nói Kinh Thánh ủng hộ, hoặc lập lờ nước đôi.
Thuở ban đầu
Cha JP: Nếu chúng ta muốn hiểu Kinh Thánh nói gì về đồng tính, chúng ta phải lật lại quyển sách đầu tiên của Cựu Ước, tại đó Thiên Chúa lý giải mục đích của Ngài trong việc tạo dựng:
Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta… Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất…” Liền có như vậy. Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp! Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu” (St 1, 26-31).
Điều cuối cùng Thiên Chúa làm trong công cuộc sáng tạo vũ trụ, cũng chính là chóp đỉnh và đích điểm của mọi sự Ngài dựng nên, đó là làm ra con người. Điều ấy cho thấy Thiên Chúa tạo ra chúng ta với phẩm giá cao trọng. Chúng ta được làm nên để phản chiếu hình ảnh của Thiên Chúa trong một mối tương quan bổ túc cho nhau là đàn ông và đàn bà, và Kinh Thánh đã kết luận bằng hàng chữ “quả là rất tốt đẹp”.
Sam: Nhưng làm sao con người lại phản chiếu hình ảnh của Thiên Chúa, bởi vì con người là một hữu thể vật chất, trong khi đó Thiên Chúa lại là Đấng thuần linh?
Jeremy: Sam, Giáo Hội dạy rằng chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa ở chỗ ta có trí khôn và ý chí tự do, dù là người đồng tính hay người thường đi chăng nữa.
Cha JP: Đúng vậy, Jeremy, một trong những cách chúng ta được nên giống Chúa là ở khả năng nhận biết sự thật và yêu thương tha nhân. Tuy nhiên, đó thật sự chỉ là một phác hoạ mờ ảo của Đấng siêu việt ngàn trùng.
Nhưng Kinh Thánh tiếp tục cho chúng ta biết người nam được tạo thành cho người nữ, và người nữ cho người nam ra sao:
ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó.”… ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người.
Con người nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra”. Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt. Con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau (St 2, 18-25).
Tình yêu mà người nam và người nữ thể hiện qua việc trở nên một thân xác biểu lộ phẩm giá cao cả của họ, vốn là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình. Tình yêu – sự hiệp nhất của tinh thần – quả thật là điều đến từ Thiên Chúa,và cách nó được biểu lộ qua xác phàm thật sự là thánh thiêng.
Sam: Con cũng có nhớ cha đã giải thích điều này rất kĩ lưỡng cho con và Margie. Đó quả thật là một giáo huấn tuyệt vời. Đặc biệt con rất ấn tượng với cụm từ “tính lôgic của tình yêu”, nó cho thấy sự trở nên một xương một thịt của người nam và người nữ là để biểu lộ mối hiệp nhất nên một trong tinh thần của đời sống hôn nhân. Mặc dù lúc đầu con nghĩ là điều này cũng có thể được áp dụng cho bất cứ mối quan hệ nghiêm túc nào, nhưng cha đã trình bày rất hay rằng: để có thể chân chính biểu lộ tình yêu, thì hành vi tính dục đòi buộc phải có một sự kết hiệp trong hôn nhân như thế nào.
Jeremy: Đúng vậy, nhưng người đồng tính chúng tôi cũng nên một thân xác mà. Vì thế, chúng tôi cũng phản ánh hình ảnh Thiên Chúa, đúng không ông cha?
Cha JP: Nếu đem quy chiếu điều đó với một số đoạn văn khác, thì nó lại không có ý nghĩa đó. Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người là thứ tình yêu phu phụ, đồng đẳng và thậm chí gợi tình, nhưng mối quan hệ yêu đương ấy luôn là giữa tình yêu nam tính của Thiên Chúa dành cho Dân Chúa, Hiền thê trinh bạch của Ngài:
Quả thế, Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt chính là Đấng đã tác thành ngươi, tôn danh Người là ĐỨC CHÚA các đạo binh… Phải, ĐỨC CHÚA đã gọi ngươi về, như người đàn bà… như người vợ cưới lúc thanh xuân…Thiên Chúa ngươi phán như vậy (Isaia 54,5-6).
Và ý nghĩa của đoạn văn ấy tìm thấy sự trọn vẹn thành toàn của nó trong lá thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Ephêsô, chương 5:
Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh… để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào… “Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt”. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh (Ep 5, 25-32).
Vậy nên, Kinh Thánh cho thấy cụm từ “một xương một thịt” là chỉ dành cho sự kết hợp ân ái giữa một người nam và một người nữ trong quan hệ hôn nhân:
Thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác… Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao? Tôi lại lấy phần thân thể của Đức Kitô mà làm phần thân thể của người kỹ nữ sao ? Không đời nào! Anh em chẳng biết rằng ăn ở với người kỹ nữ là nên một thân xác với người ấy sao? Thật thế, có lời chép rằng cả hai sẽ thành một xương một thịt. Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người.
Anh em hãy tránh xa tội gian dâm. Mọi tội người ta phạm đều ở ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình. Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao ? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em. (1 Cr 6, 13-20).
Jeremy: Nhưng đoạn trích trên chẳng nói gì rõ ràng về đồng tính cả. Nó đơn giản là chỉ lên án việc lợi dụng người khác để thoả mãn đam mê tình dục cá nhân mà thôi, đó có thể là người chồng lạm dụng người vợ mà không yêu thương gì cả, hoặc là việc tìm đến với gái bán dâm. Cho nên, nếu cha sử dụng đoạn trích trên để lên án các cặp đôi đồng tính yêu nhau thì thật sự không ăn nhập gì với ngữ cảnh.
Cựu Ước – việc chọn lựa cách diễn giải
Cha JP: Đúng vậy, Jeremy. Nhưng Kinh Thánh có nhiều chỗ khác đề cập tới đồng tính. Đoạn trích trên chỉ là nền tảng để làm tỏ lộ kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa khi Ngài tạo dựng con người có nam có nữ mà thôi.
Chúng ta gặp thấy tình trạng đồng tính luyến ái lần đầu là ở trình thuật hai thiên thần giải cứu gia đình ông Lót ra khỏi thành Xơ-đôm ở sách Sáng thế chương 19. Tại nơi này, Thiên Chúa đã hủy diệt toàn bộ thành vì tội của dân thành là đàn ông lại có dục vọng với đàn ông (St 19, 5).
Jeremy: Nhưng câu chuyện thành Xơ-đôm chỉ kết án dân thành vì đã không đón tiếp, không cung cấp thức ăn chỗ nghỉ cho những người khách – vì đó là tập tục thời bấy giờ – trái lại, họ lại muốn cưỡng dâm tập thể những vị khách đó. Đó mới là điều khiến cho dân thành Xơ-đôm thật đáng kinh tởm. Mặc dù tội của thành Xơ-đôm được nhắc đến nhiều lần trong nhiều đoạn Kinh Thánh, nhưng không có đoạn nào nói hành vi đồng tính là tội cả.
Cha JP: Trước khi dân thành có âm mưu cưỡng hiếp các vị khách, Kinh Thánh nói cho chúng ta biết rằng “Người Xơ-đôm xấu xa và mắc tội nặng đối với ĐỨC CHÚA” (St 13, 13), “Tiếng kêu trách Xơ-đôm và Gô-mô-ra thật quá lớn! Tội lỗi của chúng quá nặng nề!” (St 18, 20). Thánh Phêrô giải thích rằng Xơ-đôm và Gô-mô-ra bị kết án vì sự gian ác, dâm loạn và đời sống tội lỗi của chúng:
“Giữa anh em cũng vậy, sẽ có những thầy dạy giả hiệu, đó là những kẻ sẽ lén lút đưa vào những tà thuyết dẫn tới diệt vong… họ sẽ mau chóng chuốc lấy hoạ diệt vong. Nhiều người sẽ học đòi các trò dâm đãng của họ, và… họ dùng lời lẽ gạt gẫm anh em để trục lợi… Thật vậy, Thiên Chúa không dung thứ cho các thiên thần có tội, nhưng đã đẩy họ vào hố Địa Ngục tối tăm… Người thiêu ra tro các thành Xơ-đôm và Gô-mô-ra, lên án huỷ diệt hai thành đó để làm gương cho những kẻ vô luân thời sau; Người cứu ông Lót, kẻ công chính, đang phải ưu phiền vì nếp sống dâm đãng của những người phạm pháp… Như thế Chúa biết cứu những người đạo đức khỏi cơn thử thách, và giữ những kẻ bất chính để trừng phạt vào ngày phán xét, 10 nhất là những kẻ vì ham muốn những điều ô uế mà sống theo xác thịt, những kẻ khinh dể chủ quyền của Chúa… Còn họ, khác nào loài vật vô tri vốn sinh ra để bị săn bắt và tiêu diệt… Họ là những người đầy khuyết điểm và tỳ ố, thích thú vì những chuyện lừa gạt của mình, trong lúc vui vẻ với anh em… Bỏ đường ngay nẻo chính, họ đã lạc bước… Họ là suối không có nước, là mây bị bão cuốn đi; u ám tối tăm là nơi dành cho họ. Miệng nói những lời huênh hoang rỗng tuếch, họ dùng những ham muốn xác thịt dâm ô mà nhử những người vừa thoát tay các kẻ sống trong lầm lạc. Họ hứa cho những kẻ đó được tự do, nhưng chính họ lại làm nô lệ cho lối sống dẫn đến hư vong, vì đã thua ai thì phải làm nô lệ người ấy” (2 Pr 2, 1-19).
Jeremy: Nhưng đoạn trích này cũng đâu có nhắc đến hành vi đồng tính?
Cha JP: Nhưng, những “đời sống tội lỗi”, “dâm loạn”, “sống theo xác thịt”, “ham muốn những điều ô uế” “như loài vật vô tri”, “phạm tội mãi không chán”, vân vân, những điều này rất tương hợp với hành vi tình dục đồng tính hơn là sự không hiếu khách. Vì lí do đó, thánh Giuda kết luận rằng:
Còn Xơ-đôm, Gô-mô-ra và các thành lân cận làm chuyện gian dâm như họ và chạy theo những thú vui xác thịt trái tự nhiên, thì đã phải chịu lửa đời đời làm hình phạt để nêu gương” (Giuđa 1,7).
Người Kitô hữu ai ai cũng đều biết Xơ-đôm tượng trưng cho điều gì.
Jeremy: Nhưng Giuda chỉ nói đó là “thú vui xác thịt trái tự nhiên”, chứ không phải thú vui tình dục đồng tính.
Cha JP: Chúng ta không thể hiểu cụm từ thú vui xác thịt “trái tự nhiên” theo nghĩa hẹp, nhưng phải đặt nó vào trong tương quan với kế hoạch “tự nhiên” mà Thiên Chúa dành cho người nam và người nữ trong sách Sáng thế chương 1 và 2, cũng như trong tương quan với Luật Môsê nữa. Chính Luật Môsê đã chú giải các sự kiện đời sống của các tổ phụ dưới ánh sáng của Mười Điều Răn như sau:
Ngươi không được lấy đứa nào trong con cái ngươi mà nhượng lại cho thần Mô-léc và không được xúc phạm đến danh của Thiên Chúa ngươi. Ta là ĐỨC CHÚA. Ngươi không được nằm với đàn ông như nằm với đàn bà: đó là điều ghê tởm. Ngươi không được giao hợp với bất cứ con vật nào, để khỏi ra ô uế vì nó; đàn bà không được đứng trước thú vật để giao cấu với nó : đó là điều quái đản. (Lv 18, 21-23).
Và một chỗ khác có chép:
Khi người đàn ông nào nằm với con dâu mình, thì cả hai phải bị xử tử; chúng đã làm điều quái đản, máu chúng đổ xuống đầu chúng. Khi người đàn ông nào nằm với một người đàn ông như nằm với đàn bà, thì cả hai đã làm điều ghê tởm; chúng phải bị xử tử, máu chúng đổ xuống đầu chúng (Lv 20, 12-13).
Những đoạn trích trên đã minh chứng rất rõ ràng rằng hành vi tình dục đồng tính được xem là tội trọng.
Sam: Cha JP, một thầy ráp-bi Do Thái – dù là một người cấp tiến – có lần đã nói với con rằng những câu Kinh Thánh trên thuộc về “luật thanh sạch” của Cựu Ước, và chúng được đặt ra đơn giản là vì người Do Thái có thành kiến về mặt văn hoá đối với các thực hành thờ ngẫu tượng của người Ai Cập và Ca-na-an, chứ không phải vì họ tự bản chất là băng hoại đạo đức. Để con đọc cho cha nghe đoạn này:
ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê rằng: “Hãy nói với con cái Ít-ra-en và bảo chúng: Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi. Các ngươi không được làm như người ta làm trên đất Ai-cập, nơi các ngươi đã ở; các ngươi không được làm như người ta làm trên đất Ca-na-an, nơi Ta sắp đưa các ngươi vào. Các ngươi không được theo các quy tắc của chúng. Các ngươi hãy thi hành các quyết định của Ta, giữ và theo các quy tắc của Ta. Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi (Lv 18, 1-4).
Vậy, về cơ bản thì Thiên Chúa bảo Môsê rằng: hãy đi nói với dân chúng, bởi vì họ đã lìa bỏ văn hoá ngoại giáo, nhưng sớm muộn gì họ cũng sẽ phải đối đầu với một nền văn hoá khác, cho nên họ phải tránh, không được bắt chước theo những thực hành tôn giáo và văn hoá của dân ngoại, cũng như không được bái lạy các thần của chúng.
Đoạn trích này còn cấm không cho hai con vật khác loài giao cấu, không được gieo hai thứ hạt khác nhau trên cùng một cánh đồng (Lv 19, 19), cấm không được xăm mình (Lv 19, 28), mà những thứ này dân Ai Cập và Ca-na-an đều thực hiện. Vậy thì, cha có nghĩ là chúng ta có nên dùng những câu Kinh Thánh trên để cấm tình dục đồng tính và xăm mình hay chăng?
Cha JP: Những đoạn trích trên có nhiều ý nghĩa hơn là chỉ ngăn cấm các thực hành tôn giáo và văn hoá của người Ca-na-an và Ai Cập. Thực chất những đoạn trích đó biểu lộ tình yêu Thiên Chúa dành cho Israel. Ngài không muốn Israel bị làm nô lệ cho thói thờ ngẫu tượng, mê tín dị đoan, lạm dụng tình dục và ngược đãi người phối ngẫu, vân vân. Thay vào đó, Ngài mời gọi dân Israel hãy trở thành một thành viên trong đại gia đình của Ngài, cảm nếm tình thương của Ngài, và qua đó Ngài hướng dẫn họ tới hạnh phúc đích thực.
Việc cấm đoán hành vi tình dục đồng tính cũng là một trong nhiều ngăn cấm khác đối với các hành vi ngoại tình, sát nhân, cưỡng hiếp, và hiến tế con cái cho tà thần Mô-léc (Lv 18, 21; 20, 2-5). So với các nghi thức thanh tẩy, những vấn nạn này hiển nhiên là cấp thiết và nghiêm trọng hơn nhiều.
Ngoài ra, sách Lêvi còn đề cập tới vấn đề giao cấu với thú vật và loạn luân, cùng nhiều hình thức lạm dụng tình dục khác. Anh đọc hiểu chỗ đó ra sao? Cha nghĩ chắc hẳn rằng anh sẽ không bao giờ chấp nhận những điều này chỉ để chấp nhận hành vi tình dục đồng tính.
Trong việc diễn giải Kinh Thánh, chúng ta phải minh định xem liệu chúng ta có đang cố gắng đọc hiểu Lời Chúa, hay là chúng ta đang dùng Kinh Thánh để biện minh cho lý lẽ của mình.
Jeremy: được rồi, cứ cho là chúng ta sẽ xem xét sách Lêvi thật nghiêm túc. Giờ đây chúng ta sẽ đọc Kinh Thánh theo nghĩa mặt chữ. Ê, đưa tôi cuốn sách…
(Jeremy chộp cuốn Kinh Thánh trên bàn)
…đây rồi. Đoạn này có chép “nếu đàn ông nằm với đàn ông như nằm với đàn bà, nó sẽ phải bị xử tử”. Đó là điều sách Lêvi chép. Ông hãy đọc đi. Đó là điều Kinh Thánh của ông chép đấy. Đó là điều Chúa của ông nói đấy. Ông xem, Giáo Hội có nghĩ rằng người đồng tính chúng tôi đáng phải bị xử tử không, JP?
Hoặc là mớ giáo điều rác rưởi như “yêu thương tội nhân và chê ghét tội lỗi” chỉ là đồ giả tạo nơi môi miệng, hoặc là ông phải công nhận rằng sách Lêvi là sách do con người viết, dựa trên một hệ tư tưởng lỗi thời và bất dung thứ, và giờ đây nó không còn thích hợp với đời sống hiện đại nữa. Ông thử trả lời tôi xem điều nào là đúng?
Cha JP: Jeremy, tôi có thể thấy đây là một chủ đề nhạy cảm đối với anh. Tuy nhiên, cả anh và tôi đều cùng nhau vật lộn với vấn đề trong Kinh Thánh này.
Tôi thật sự tin rằng Thánh Kinh được Chúa linh hứng. Chúa chúng ta không hề thích thú phải tiêu diệt mọi kẻ có tội trọng, nhưng điều Ngài muốn dạy chúng ta, thông qua những đoạn trích này, đó là tội trọng giết chết mối tương giao giữa ta với Ngài, nó giết chết Sự Sống. Chúa Thánh Thần nói cho ta biết rằng tội lỗi có sức hủy diệt, và nó tiêu diệt linh hồn:
Vậy, hãy giữ mình, chớ kêu ca vô ích, giữ miệng lưỡi, đừng nói xấu gièm pha… ăn gian nói dối giết hại linh hồn. Đừng mãi sống lầm lạc mà lao vào chỗ chết, chớ có làm chuyện gì để mình phải diệt vong. Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong. (Kn 1, 11-13).
Vậy, nếu anh cướp đi mạng sống một người vô tội, lạm dụng trẻ em, hiến tế con cái cho ngẫu tượng, hay nguyền rủa cha mẹ (Lv 20, 9), thì anh đã hủy diệt mối tương quan với Thiên Chúa và anh sẽ mất sự sống đời đời.
Jeremy: Vậy ý của ông là án tử hình chỉ là một biểu tượng thôi hay sao?
Cha JP: Thiên Chúa phải dùng thứ ngôn ngữ mà người thời xưa có thể hiểu được. Nhưng khi Ngài nói về cái chết, thì Ngài không có ý ám chỉ cái chết thể xác mà thôi. Ngài chủ yếu muốn nói về cái chết của mối tương quan với Ngài.
Ví dụ, khi Thiên Chúa đặt Ađam và Evà vào Vườn Địa Đàng, Ngài phán bảo họ rằng:
Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (St 2, 16-17).
Nhưng họ đâu có chết về thể lý ngay lập tức thời điểm họ cãi lệnh Chúa. Thay vào đó, họ còn sống hơn 800 năm nữa rồi mới chết (St 5, 1-5). Tuy nhiên, chính trong cái ngày họ bất tuân lệnh của Chúa, họ đã thật sự giết chết mối quan hệ thân tình với Ngài: họ cảm thấy xấu hổ, họ nhận ra mình trần truồng, họ lẩn tránh nhan Chúa, và họ bị Ngài chúc dữ (St 3, 7-19). Ngày hôm ấy họ đã chết về mặt thiêng liêng, bởi vì mối quan hệ thân tình của họ với Thiên Chúa đã bị hủy diệt.
Tuy nhiên, Thiên Chúa muốn chúng ta từ bỏ đàng tội lỗi:
Nhưng nếu kẻ gian ác từ bỏ mọi tội lỗi mình đã phạm mà tuân giữ mọi quy tắc của Ta, cùng thi hành điều chính trực công minh, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết. Mọi tội phản nghịch nó phạm, người ta sẽ không còn nhớ đến ; nó sẽ được sống vì đã thi hành lẽ công minh. Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết –sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng – Ta lại không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống sao? (Ed 18, 21-23).
Jeremy: Được rồi, nhưng nếu một người bị xử tử hình bằng cách ném đá, thì người đó chẳng còn thời gian để từ bỏ đàng tội lỗi nữa. Tại sao Thiên Chúa lại bắt dân Ngài xử tử kẻ phạm tội trọng, mà không cho họ một cơ hội để hoán cải trước khi chết, và do đó mà mất đi sự sống đời đời?
Cha JP: Ba ngàn năm trước, người ta chưa có hiểu biết nhiều về sự sống đời đời. Cho nên Thiên Chúa dùng hình ảnh án tử để giúp họ hiểu được hậu quả do tội gây ra. Đó là lí do vì sao Giáo Hội dạy rằng những hành vi tình dục đồng tính – và bất cứ hành vi tình dục nào khác ngoài hôn nhân – đều giết chết tương quan với Thiên Chúa.
Jeremy: Thôi, cứ cho là vậy đi, nhưng các đoạn trích trên chỉ lên án hành vi tình dục có tính lạm dụng – dù là quan hệ đồng giới hay khác giới – bao gồm cưỡng hiếp, bán dâm, làm điếm thần, và lạm dụng trẻ em. Kinh Thánh không kết án những mối quan hệ yêu thương nhau giữa hai người đàn ông hay hai người đàn bà. Khi đề cập tới kiểu quan hệ đồng giới đó, Kinh Thánh nói về nó rất là tích cực, tiêu biểu là câu chuyện giữa Đa-vít và Jonathan:
Giô-na-than, anh hỡi, lòng tôi se lại vì anh! Tôi thương anh biết mấy! Tình anh đối với tôi thật diệu kỳ hơn cả tình nhi nữ (2 Sm 1, 26).
Cha JP: Đúng là Đa-vít yêu mến Giô-na-than; và cũng đúng là mối quan hệ giữa họ không có chi là lợi dụng lẫn nhau, và cũng không có gì mang mục đích mua bán dâm ở đây cả. Nhưng đoạn trích đó cũng chẳng có gì làm ta liên tưởng đó là một mối quan hệ có liên quan tới tính dục. Nếu Kinh Thánh chấp thuận mối quan hệ này là quan hệ đồng tính, thì Kinh Thánh đã đề cập tới nó một cách rõ ràng. Nếu mối quan hệ giữa hai người là quan hệ nhục dục và tội lỗi, thì Kinh Thánh sẽ đề cập tới chuyện đó, vì Kinh Thánh đã tố cáo Đa-vít vi phạm luật Môsê, đặc biệt là chuyện ông ngoại tình với Bát Se-va, vợ của U-ri-gia, người đã bị ông giết để che giấu tội lỗi (2 Sm 11-12), cũng như việc ông cãi lệnh Thiên Chúa mà thực hiện một cuộc kiểm tra dân số (2 Sm 24). Tuy nhiên, Kinh Thánh chưa hề đề cập dù chỉ là một chút tiểu tiết về sự không trong sạch trong mối tương giao giữa Đa-vít và Giô-na-than. Kinh Thánh chưa hề đề cập về việc Đa-vít thèm khát Giô-na-than hay bất cứ người nam nào khác, nhưng chỉ đề cập tới việc ông ham muốn bà Bát Se-va mà thôi. Diễn giải Kinh Thánh như cách của anh thì thật là chỉ có trong tưởng tượng – nếu không muốn nói là ảo tưởng.
Jeremy: Đây không phải là trí tưởng tượng đâu, JP – cũng chẳng phải là ảo tưởng, nếu ông lớn lên và luôn cảm thấy một sự hấp dẫn mãnh liệt nơi đàn ông như tôi đây. Trái lại, tôi đây, một người Kitô hữu đồng tính, đọc sách Lêvi và cảm thấy rằng tôi bị kết án đời đời, chỉ vì tôi khát mong được yêu. Rồi sau đó tôi đọc về Đa-vít và Giô-na-than và ước mong có được một mối quan hệ thân mật như họ. Nói chung, người như tôi đọc Kinh Thánh thì kiểu gì cũng bị trầm luân.
Cha JP: Thật không dễ để đọc Kinh Thánh khi anh có một khát vọng tình dục đồng giới mãnh liệt như thế. Nhưng anh phải nhớ điều quan trọng này là không bao giờ được suy diễn những gì được chép trong Kinh Thánh theo ý riêng của mình. Để đọc Kinh Thánh, chúng ta phải đọc theo mạch văn, thậm chí là toàn bộ cuốn sách, cùng với sự nhạy bén, để phân định điều Thiên Chúa muốn truyền tải cho chúng ta.
Tân Ước
Jeremy: Nhưng không phải là ông đang diễn giải Kinh Thánh theo ý mình sao? Tân Ước nói cho ta biết cách diễn giải Kinh Thánh, và nó đã chấm dứt thời kì nghi lễ và hy tế đền tội trong sách Lêvi rồi.
Cha JP: Tân Ước không bãi bỏ Lề Luật, nhưng kiện toàn nó. Chúa Giêsu đã nói rất rõ ràng rằng:
Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời (Mt 5, 17-19).
Jeremy: Vậy còn việc Phaolô bảo chúng ta rằng Luật Môsê đã lỗi thời so với Tân Ước thì sao:
Nhưng ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến Luật Môsê. Điều này, Sách Luật và các Ngôn Sứ làm chứng. Quả thế, người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô. Tất cả những ai tin đều được như thế, bất luận là ai. (Rm 3, 21-22).
Do đó, Luật Cũ – bao gồm luật trong sách Lêvi – đã không còn hiệu lực nữa.
Cha JP: Thánh Phaolô đang có ý nói tới cách đức tin Kitô giáo cùng với bí tích Rửa tội kiện toàn và thay thế việc cắt bì như thế nào, bởi ngài có nói rõ ở nơi khác:
Trong Người, anh em đã được chịu phép cắt bì, không phải phép cắt bì do tay người phàm, nhưng là phép cắt bì của Đức Kitô, có sức lột bỏ con người tội lỗi của anh em. Anh em đã cùng được mai táng với Đức Kitô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết (Cl 2, 11-12).
Ngoài ra, thánh nhân cũng làm rõ cho chúng ta thấy hành vi tình đục đồng tính không thể song hành với Tin Mừng, cũng như nó đã không thể tương thích với sách luật Lêvi:
Thật vậy, từ trời, Thiên Chúa mặc khải cơn thịnh nộ của Người chống lại mọi thứ vô luân và bất chính của những người lấy sự bất chính mà giam hãm chân lý… Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được, vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo… tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội… Vì thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục vọng mà làm những điều ô uế, khiến thân thể họ ra hư hèn… Bởi thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục tình đồi bại. Đàn bà không quan hệ theo lẽ tự nhiên, mà lại làm điều trái tự nhiên. Đàn ông cũng vậy, không quan hệ với đàn bà theo lẽ tự nhiên, mà lại đem lòng thèm muốn lẫn nhau: đàn ông bậy bạ với đàn ông. Như vậy là chuốc vào thân hình phạt xứng với sự lầm lạc của mình. Vì họ đã không thèm nhận biết Thiên Chúa, nên Người đã để mặc họ theo trí óc lệch lạc mà làm những điều bất xứng… Họ thừa biết phán quyết của Thiên Chúa là : hễ ai làm những điều như vậy thì đáng chết. Thế mà không những họ cứ phạm những tội đó, lại còn tán thành những kẻ làm như vậy (Rm 1, 18-32).
Vì vậy, mặc dù thánh Phaolô nhận ra rằng Giao ước Mới đã kiện toàn Giao ước Cũ, ngài cũng thấy được tình trạng tội lỗi của hành vi đồng tính luyến ái, và nó sẽ giết chết mối tương quan với Thiên Chúa ra sao, bởi “hễ ai làm những điều như vậy thì đáng chết”.
Jeremy: Nhưng Phaolô chỉ kết án những gì “trái tự nhiên”. Nếu một người có xu hướng tình dục khác giới tìm kiếm cách thoả mãn dục vọng của mình bằng hành vi đồng tính, thì đúng là người đó đáng bị kết án là làm điều “trái tự nhiên”. Nhưng đối với người đồng tính nam nữ như chúng tôi, thì chuyện chúng tôi thực hiện hành vi đồng tính là xu hướng bình thường mà.
Cha JP: Thánh Phaolô không nói về xu hướng, nhưng ngài nhắm tới hành vi: bao gồm những “hành vi vô sỉ”, những mối quan hệ “trái tự nhiên” và “theo lẽ thường”. Vì lí do đó, thánh nhân nói:
Nào anh em chẳng biết rằng những kẻ bất chính sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp sao? Anh em đừng lầm. Những kẻ dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, truỵ lạc, kê gian, những kẻ trộm cướp, tham lam, say sưa rượu chè, quen chửi bới, sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp. Trước kia, có vài người trong anh em đã là như thế. Nhưng anh em đã được tẩy rửa, được thánh hoá, được nên công chính nhờ danh Chúa Giêsu Kitô và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta! (1 Cr 6, 9–11).
Ngài sử dụng cùng một từ ngữ mà bản dịch Hy Lạp Septuagint của Cựu Ước (được dịch trước Chúa Giêsu hơn 100 năm) sử dụng trong sách Lêvi chương 18 câu 22 – đó là từ arsenokoitai – và một lần nữa xuất hiện trong thư 1 Ti-mô-thê như sau:
Chúng ta biết rằng Lề Luật là tốt… Thật vậy, Lề Luật có đó, không phải cho người công chính, mà là cho hạng người sống ngoài lề luật và bất phục tùng, vô luân và tội lỗi, phạm thánh phạm thượng, giết cha giết mẹ, sát nhân, dâm dật, kê gian, buôn người, nói dối, bội thề, và những kẻ sống ngược với giáo lý lành mạnh. Đó là giáo lý phù hợp với Tin Mừng đã được giao phó cho tôi, Tin Mừng về vinh quang của Thiên Chúa chí tôn. (1Tm 1, 8-11).
Một số người tranh luận rằng từ arsenokoitai rất tối nghĩa trong tiếng Hy Lạp, và bị dịch nhầm thành “việc giao cấu giữa đàn ông”, nhưng trong bản dịch sách Lêvi từ tiếng Do Thái sang Hy Lạp thì rất rõ nghĩa.
Jeremy: Mặc dù Giáo Hội tôn kính tông đồ Phaolô, nhưng ông ta không phải là Chúa. Ông ta chỉ là một sứ giả truyền tin, thông điệp của ông đã bị hoà lẫn trong những tiêu chuẩn về xã hội, chính trị, và văn hoá tại thời điểm ông viết những lá thư đó.
Cha JP: Và tôi cũng như anh đều không phải là Chúa. Cho nên nếu một trong hai ta áp đặt thành kiến văn hoá của mình lên Tin Mừng, chúng ta chắc chắn sẽ làm một điều sai lầm. Đó là lí do vì sao Chúa Giêsu trao ban cho ta Chúa Thánh Thần và huấn quyền Hội Thánh, để hướng dẫn ta tiến đến chân lý vẹn toàn.
Jeremy: Nhưng trong quá khứ, Kinh Thánh đã từng lờ đi chế độ nô lệ. “Những phương thức trung dung an toàn”, hay tư tưởng bảo thủ hẳn là điều là những kẻ chủ nô muốn chúng ta thực hiện trên đất nước này. Nhưng ngày nay chúng ta lên án chế độ nô lệ, bởi vì giáo huấn trong Kinh Thánh về công lý, bác ái và phẩm giá con người cho ta thấy chế độ nô lệ quả thực xấu xa. Tương tự, những giáo huấn Thánh Kinh mở rộng và cấp tiến đề nghị cách mạnh mẽ rằng chúng ta nên đón nhận người đồng tính như những thành viên bình đẳng nơi nhà thờ.
Cha JP: trong Kinh Thánh, nô lệ là hình ảnh của tội lỗi. Đó là bởi vì Giáo Hội tin vào nhân phẩm của những người đồng tính – họ được Chúa yêu thương muôn đời – và điều đó khơi dậy trong họ nỗ lực sống theo thông điệp Tin Mừng. Chúng tôi muốn các bạn – và tất cả mọi người – được thật sự tự do và hạnh phúc, bằng cách giải phóng mình khỏi những ràng buộc của tội lỗi và những xu hướng dẫn tới chúng:
Vậy, Đức Giêsu nói với những người Do thái đã tin Người: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.” Họ đáp: “Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?” Đức Giêsu trả lời: “Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi. Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thật sự là những người tự do. (Ga 8, 31-36).
Giáo lý Hội Thánh Công Giáo cũng bày tỏ sự đồng thuận bằng cách dạy rằng:
Đức Giêsu… [đến] để giải phóng con người khỏi kiếp nô lệ lầm than nhất, đó là nô lệ tội lỗi. Thứ nô lệ này ngăn cản họ làm con Thiên Chúa, cũng như gây ra mọi hình thức nô lệ hóa con người. (GLHTCG 549).
Tự do của con người có giới hạn và có thể lầm lạc. Quả thực, con người đã sa ngã, đã tự ý phạm tội khi từ chối ý định yêu thương của Thiên Chúa, con người tự lừa dối mình và trở thành nô lệ tội lỗi… Lịch sử nhân loại cho thấy nhiều tai họa và áp bức phát xuất từ tâm địa con người lạm dụng tự do. (GLHTCG 1739).
Một điều chắc chắn là, nếu anh đọc Kinh Thánh quá thiên về nghĩa mặt chữ, và thậm chí là đọc cách có chọn lọc – tức là anh chỉ chọn những đoạn trích xem ra ủng hộ quan điểm của mình – thì anh có thể biện hộ cho chế độ nô lệ, cũng như mọi thứ khác, kể cả tình trạng đồng tính luyến ái. Tuy nhiên, khi anh hiểu được cách Kinh Thánh sử dụng những hình ảnh và ý niệm, thì anh sẽ thấy sự nô lệ cũng như là sự dữ, và nó cũng xấu xa như tội lỗi nói chung. Nhờ đó anh sẽ hiểu được sự tội trong hành vi đồng tính.
Sam: Vậy thì có nghĩa là cha cũng gán cho sự nô lệ một ý nghĩa biểu tượng giống như án tử hình, phải không cha?
Cha JP: Sam, tôi không chỉ gán cho sự nô lệ một ý nghĩa biểu tượng, nhưng tôi đang trình bày một giáo lý luôn đi đôi với lời Chúa dạy trong Kinh Thánh. Chúa Giêsu dạy người Kitô hữu chúng ta phải yêu thương tha nhân như chính mình. Vậy nếu ta muốn yêu người nô lệ như chính mình, ắt hẳn ta cũng sẽ muốn họ được giải phóng, cả về thể chất lẫn tinh thần, đúng không, Sam?
Sam: Con đoán là vậy.
Cha JP: Vậy nên chúng ta không thể diễn giải Kinh Thánh cách chọn lọc để biện minh cho sự nô lệ được.
Sam: Cha JP, quay về với luật nghi lễ, nếu cha nói rằng sách Lêvi chương 18 và 20 lên án hành vi đồng tính, thì không phải là chúng ta cũng nên vâng theo những giới răn khác của Thiên Chúa được đề cập ở đây hay sao? Những lệnh cấm, ví dụ như không được mặc đồ được dệt từ hai loại vải khác nhau, len và vải gai chẳng hạn (Lv 22, 11). Lệnh cấm đó chẳng phải là bao gồm luôn các loại quần áo làm từ cotton–polyester đó hay sao? Vậy ra chẳng phải là cha cũng chọn lọc điều nào cần nghe theo, và điều nào thì loại bỏ đó hay sao?
Cha JP: Đức Kitô dạy người Kitô hữu chúng ra biết rằng phải tuân theo mọi lề luật, nhưng theo một cách hợp lý. Ví dụ, Người cho chúng ta thấy cách diễn giải Kinh Thánh và trích đoạn về việc mặc quần áo làm từ hai chất liệu khác nhau như thế này đây:
Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá mới sẽ co lại, khiến áo rách lại càng rách thêm. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế là giữ được cả hai.” (Mt 9, 16-17).
Vậy, Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy ý định ngay chính của Thiên Chúa đối với trường hợp Lêvi 22, 11, đó là: chúng ta không được trộn lẫn hay bắt chước những thực hành tôn giáo ngoại lai, dù cho chúng có điểm tương đồng đi chăng nữa. Chúng ta có thể thấy điều này ở những người Do Thái cải đạo sang Kitô giáo, họ sẽ cố áp đặt luật cắt bì lên những người dân ngoại trở lại đạo, nhưng các thánh Tông đồ đã quyết định rằng phép rửa tội thay thế phép cắt bì (Cv 15, 1-31; Rm 2, 28-29; vân vân).
Jeremy: Nhưng mà chẳng phải là sẽ có thời điểm tất cả chúng ta đều phải đưa ra quyết định, hoặc là chấp nhận điều Kinh Thánh dạy, hoặc là chấp nhận mình là chính mình hay sao? Ít nhất đó là trường hợp của tôi, sau khi tôi quan hệ đồng tính lần đầu tiên. Tôi cũng đã đưa ra sự chọn lựa, giữa việc biết rằng Kinh Thánh dạy gì về đồng tính, và việc phát hiện ra bản thân mình được tự do và viên mãn ra sao trong mối quan hệ với một người đàn ông khác. Lúc đó, tôi biết ngay rằng Chúa muốn tôi được là chính mình; tôi biết ngay rằng Chúa muốn sự khác biệt nơi tôi, rằng Người không muốn tôi phải đau khổ nữa.
Cha JP: Tôi cảm thông sâu sắc với anh, Jeremy, và những gì anh phải trải qua. Mặc dù đúng là chúng ta phải chọn hoặc đón nhận lời Chúa bằng đức tin, hoặc là chối bỏ nó, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có quyền định đoạt những gì Chúa đã nói với chúng ta. Người là Đấng ban thông điệp, còn công việc của ta là đón nhận hay bác bỏ thông điệp đó mà thôi.
WWJD: Đức Kitô đã đương đầu với tình trạng đồng tính như thế nào?
Sam: Một người bạn của con nói Chúa Giêsu không hề dạy một điều gì về đồng tính cả, chỉ có thánh Phaolô quá ư thận trọng đã khiến cho người Kitô hữu trở nên những kẻ kì thị người đồng tính.
Cha JP: Có thể Chúa Giêsu đã không dạy gì rõ ràng về đồng tính, nhưng Người quả thật có nói về đạo đức tính dục, và ý nghĩa thật sự của tình yêu con người.
Đầu tiên, như chúng ta đã biết, Người nhắc cho chúng ta nhớ tất cả các giới răn cần phải được tuân giữ, chứ không phải bãi bỏ (Mt 5, 17-19). Và khi Người đối mặt với vấn nạn ngoại tình – vốn thịnh hành hơn đồng tính vào thời đó – Người đã nâng giới luật lên một tầm mức cao hơn:
Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.
Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục (Mt 5,27-29).
Vậy nên, nội chỉ những tư tưởng và ước muốn tà dâm cũng đủ để “giết đi” mối tương quan của linh hồn với Thiên Chúa, và khiến ta phải sa hoả ngục. Đó là sự xa cách Thiên Chúa đời đời. Chúa Giêsu thậm chí còn nâng cao tiêu chuẩn về hôn nhân, và kết án li dị (Mt 5, 31-32).
Vậy, anh có nghĩ là Đức Kitô sẽ làm cho giáo huấn thời Cựu Ước về đồng tính được sáng tỏ hay không? Còn những tội ác khác như sát tế trẻ em cho tà thần thì sao, nên nhớ là Chúa Giêsu cũng không nói gì rõ ràng về điều này đấy? Từ những gì bốn thánh sử đã viết ra, cho tới các tông phụ và giáo phụ, và cách các Kitô hữu bao đời nay đem giáo huấn Phúc Âm ra thực hành, ta có thể tuyên bố rằng Chúa Giêsu đã tái khẳng định giáo huấn của Cựu Ước về hành vi đồng tính.
Sam: Nhưng cha có nghĩ là Chúa Giêsu dẽ dùng luật Moses để kết án tử hình người đồng tính, như Người kết án li dị, hay không?
Cha JP: Không đâu Sam. Thực ra, khi Chúa Giêsu nói về những vấn đề của đời sống hôn nhân, Người cho thấy Luật Môsê về li dị vẫn còn thiếu sót:
Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giêsu để thử Người. Họ nói: “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?” Người đáp: “Các ông không đọc thấy điều này sao: ‘Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ, và Người đã phán: Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.’ Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.”
Họ thưa với Người: “Thế sao ông Môsê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?” Người bảo họ: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu. Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình” (Mt 19,3-9).
Người Pharisêu bảo vệ quyền li dị dựa trên Luật Môsê. Nhưng Chúa Giêsu quay trở về “thuở ban đầu”, khi Thiên Chúa dựng nên người nam và người nữ đầu tiên. Mối dây liên kết giữa người nam và người nữ khi họ nên một xương một thịt trong ân ái hôn nhân là một điều thánh thiêng, một điều Thiên Chúa đã liên kết: do đó chúng ta không thể phân li mối dây ấy bằng li dị, hoặc bằng ngoại tình, gian dâm hay hành vi đồng tính. Đó là điều Thiên Chúa đã đặt ra cho nhân loại.
Sam: Vậy ý của cha là Chúa Giêsu kết án những người đồng tính bằng quyền diễn giải sách Sáng thế của Người ư?
Cha JP: Tôi cũng không nói thế.
Nếu chúng ta muốn biết Chúa Giêsu sẽ phản ứng ra sao đối với người đồng tính, thì chúng ta hãy cùng đọc Kinh Thánh – bằng đức tin và con tim rộng mở; và tôi nghĩ là ta có thể tìm ra một ví dụ tuyệt hảo về điều Chúa Giêsu sẽ làm.
Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong Sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao?” Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Gioan 8,2-11).
Tôi nghĩ rằng Chúa Giêsu cũng sẽ phản ứng tương tự khi người ta dẫn đến cho Người bất cứ ai đang ở trong mối quan hệ đồng tính. Chúa Giêsu vẫn luôn yêu thương họ. Người sẽ cho họ thấy là Người thấu hiểu và tha thứ cho họ. Người sẽ không kết án họ bằng án tử – cái chết tâm linh – nhưng sẽ bảo họ hãy ra về và đừng phạm tội nữa.
Jeremy: Vậy, JP, ý ông là nếu Chúa Giêsu “bắt gặp” tôi đang ở trong một mối quan hệ đồng tính, và đám đông những kẻ “chỉ biết đọc Kinh Thánh trên mặt chữ” đang đòi phải tra tấn và hành hình tôi, thì Chúa sẽ can thiệp?
Cha JP: Chắc chắn là thế, tôi không nghi ngờ gì về điều đó.
Jeremy: Vậy còn ông, ông có làm như Người không?
Cha JP: Tôi hy vọng vậy. Anh biết đấy, người Kitô chúng ta nhiều khi nói thì hay hơn làm, đặc biệt là những lúc bị áp lực phải bảo vệ một ai đó đang bị công kích.
Nhưng tôi sẵn sàng liều mất mạng sống, thậm chí là danh tiếng của mình để bảo vệ anh. Nhưng, anh cũng biết đấy, một số người kì thị người đồng tính cực đoan không hề khoan dung chút nào. Ngay cả những ai giao thiệp với người đồng tính cũng khiến họ nổi cơn thịnh nộ. Nhưng tôi sẵn lòng đánh cược, như Chúa Giêsu đã làm, để cùng ăn uống và làm bạm với những người thu thuế, người tội lỗi và gái điếm (Mt 9, 10-13; 11, 19; 21, 28-31; Lc 15, 1-7).
Jeremy: Vậy thì tại sao Giáo Hội lại lên án chúng tôi?
Sam: Phải đấy cha, tại sao vậy? Sao cha không nói cho chúng tôi biết lí do vì sao Giáo Hội đang cố gắng phản đối những người đồng tính và quyền được kết hôn của họ?
Cha JP: Tôi rất muốn trình bày về vấn đề này, nhưng giờ thì chúng ta cần nghỉ giải lao, có lẽ chúng ta có thể gặp nhau vào tuần tới, và tiếp tục cuộc đối thoại này.
Jeremy: JP, ông không phiền nếu tôi mang thêm một người bạn chứ? Tên cô ấy là Billy Lu. Tuy cô là người rất gan góc, miệng lưỡi lại sắc nhọn, nhưng tôi cho là cô ấy sẽ đối đáp về vấn đề đồng tính tốt hơn tôi.
Sam: Ôi trời ơi, cha JP, con đã gặp người này. Cô ấy “dữ dằn” lắm đấy.
Cha JP: Nếu chị ấy sẵn lòng đối thoại trong ôn hòa, thì xin anh cứ đem chị ấy tới.
Leave a Reply