Trở Về với Đoan Trang để làm Hứng Khởi Tình Yêu – Trong thế giới hậu cách mạng tính dục, y phục thiếu vải, váy ngắn, áo tắm tý hon, quần xệ, và áo cũn cỡn đã trở thành một phần của thời trang chính của phụ nữ ngày nay.
Tại sao đặt nặng việc ăn mặc của phụ nữ?
Trong thế giới hậu cách mạng tính dục, y phục thiếu vải, váy ngắn, áo tắm tý hon, quần xệ, và áo cũn cỡn đã trở thành một phần của thời trang chính của phụ nữ ngày nay. Đồng thời bất cứ người nào thắc mắc về sự thích hợp của những y phục như thế đều bị coi là “cứng ngắt”, “lỗi thời”, hay “thiếu thích nghi” với những kiểu cách tân thời. Đoan trang không còn là thành phần của ngữ vựng của nền văn hóa của chúng ta nữa. Mặc dù hầu hết mọi người cảm thấy rằng họ không muốn chính con gái của mình ăn mặc như Mandonna và Britney Spears, nhưng ít người có can đảm đề cập đến đề tài đoan trang, và ít người biết phải nói gì khi đề cập đến đề tài này.
ĐTC Gioan Phaolô II – khi ấy là Cha Wojtyla – trong cuốn sách Tình Yêu và Trách Nhiệm, đã đưa ra những tư tưởng khôn ngoan mà chúng ta cần phải biết về bản chất của đức đoan trang và tại sao ăn mặc đoan trang lại quan trọng trong việc củng cố mối liên hệ giữa chúng ta và những người khác phái.
Kinh Nghiệm về Xấu Hổ
ĐTC Gioan Phaolô II mở đầu bài viết về đoan trang bằng cách giải thích về một kinh nghiệm chung của con người là kinh nghiệm về xấu hổ. Xấu hổ liên quan đến khuynh hướng che dấu một điều gì – không những chỉ điều xấu, như tội lỗi, khuyết điểm, những giây phút lúng túng, nhưng cả những điều tốt mà chúng ta không muốn ai biết đến. Thí dụ, có người làm một điều tốt nhưng muốn dấu việc làm của mình. Nếu người ấy được ca ngợi cách công khai, anh có thể cảm thấy bối rối, không phải là vì anh làm điều gì xấu, nhưng vì anh không muốn người khác chú ý đến việc làm của anh. Cũng thế, một học sinh được điểm cao trong một bài thi có thể cảm thấy bối rối khi thầy giáo khen em trước mặt cả lớp học, bởi vì em chỉ muốn cho các bạn thân nhất và gia đình biết mà thôi. Có nhiều điều tốt chúng ta làm mà không muốn nhiều người biết, và chúng ta cảm thấy mắc cỡ vì những điều ấy được đưa ra ánh sáng.
Điều này giúp chúng ta hiểu một trong những kinh nghiệm về xấu hổ: xấu hổ về phái tính. Tại sao con người có khuynh hướng che đậy những phần của thân thể liên hệ đến phái tính? Tại sao theo bản năng người ta vội vàng che mình khi một người khác phái vô tình bước vào trong lúc họ đang thay quần áo hoặc sửa soạn vào phòng tắm? ĐTC Gioan Phaolô II giải thích rằng khuynh hướng che đậy những phần thân thể này, là điều tạo nên phái nam hay phái nữ, tự nó không phải là thực chất của xấu hổ, nhưng là việc biểu lộ của một khuynh hướng sâu xa hơn để che đậy chính những giá trị về phái tính, “đặc biệt là khi đến mức độ chúng gợi ra trong trí một người ta như ‘một vật dụng để hưởng lạc’ cho những người khác phái” (tr. 176).
Thí dụ, một người phụ nữ theo trực giác có thể cảm thấy những phần nào đó của thân thể mình bị lộ ra, mà một người đàn ông có thể nhìn ngắm chị chỉ vì những giá trị phái tính của chị như một vật để mua vui. Thật thế, những phần thân thể đặc biệt ấy của biểu tỏ lộ những giá trị phái tính của chị một cách quá mãnh liệt đến nỗi một người nam không bị thu hút vì giá trị thật của chị như một người, mà chỉ về những giá trị phái tính của chị, là những gì làm cho anh vui thích trong nhãn quan và trí tưởng tượng của anh.
Đó là lý do tại sao chúng ta có khuynh hướng che dấu những giá trị phái tính liên hệ đến những phần tử đặc biệt của thân xác – không phải vì chúng xấu, nhưng vì chúng có thể che khuất giá trị cao quý hơn của con người. Như thế ĐTC Gioan Phaolô II nói rằng việc xấu hổ về phái tính là “một hình thức tự nhiên của việc tự vệ đối với một người” (tr. 182). Nó giúp một người tránh được việc bị coi là một vật để mua vui. Như vậy sự che đậy những giá trị phái tính qua việc ăn mặc đoan trang là phương tiện để cung cấp một sân khấu mà trong đó những điều nào cao quý hơn là những phản ứng thuần túy nhục dục có thể xảy ra. Việc ăn mặc đoan trang giúp bảo vệ những tương quan giữa hai phái khỏi rơi vào tình trạng vị kỷ, và như thế tạo nên dịp để cho tình yêu chân chính đối với người khác được phát triển.
Xấu Hổ bị Tình Yêu Hấp Thụ
Nhưng trong phạm vi tình yêu hôn nhân – một tình yêu tự hiến trưởng thành của một cặp vợ chồng – thì người ta không còn lý do gì để xấu hổ. Tình yêu chân thật đảm bảo rằng những cảm nghiệm tình cảm và giác cảm “được thấm nhuần bằng sự xác nhận giá trị của người ấy đến độ ý muốn không thể nào coi người kia là vật dụng để dùng” (tr. 183-184). Mỗi người hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu vô vị lợi của người kia. Người ấy hoàn toàn tin tưởng rằng mình không bị chỉ coi là vật dụng mua vui cho người kia. Cho nên niềm vui tình cảm và giác cảm của người ấy được đặt nền tảng trên tình yêu hoàn toàn tự hiến và ý thức trách nhiệm sâu xa đối với người kia.
Sự cần thiết của việc biết xấu hổ đã được hấp thụ bởi tình yêu trưởng thành đối với một người: không còn cần thiết nữa để một người phải che đậy đối với người yêu hay với chính mình một ý định vui hưởng, vì điều này đã được tình yêu thật, là tình yêu được ý chí điều khiển, hấp thụ. Việc xác nhận giá trị của một người thật sự thấm nhuần cách hoàn toàn tất cả những phản ứng giác quan và tình cảm liên hệ đến những giá trị phái tính mà ý chí không bị đe dọa bởi cái nhìn vị kỷ (tr. 184).
Tuy nhiên, loại tin tưởng này chỉ có thể được tìm thấy cách hoàn toàn trong tình yêu vợ chồng. Chỉ trong một hôn nhân lành mạnh và lớn mạnh mà việc xấu hổ được tình yêu hấp thụ cách này. Đó là lý do tại sao chúng ta muốn ăn mặc đoan trang khi ở với những người khác phái mà không phải là vợ hay chồng của mình. Ở ngoài phạm vi tình yêu vợ chồng, chúng ta phải cẩn thận trong việc tỏ lộ những giá trị phái tính, nếu không chúng ta sẽ biến mình thành vật dụng cho những người khác phái dùng.
Tránh Việc Khách Quan Hoá
Bây giờ chúng ta sửa soạn để khám phá ba khía cạnh của việc xấu hổ về phái tính được ĐTC Gioan Phaolô II trình bày. Chúng ta đã nói đến khía cạnh đầu tiên – là xấu hổ dẫn chúng ta đến việc che dấu những giá trị phái tính để chúng không chỉ tạo ra phản ứng vị kỷ trong người khác. Một người phụ nữ phải tránh ăn mặc một cách cố tình kéo chú ý của người khác vào những giá trị phái tính của mình và che khuất giá trị của cô như một con người. Một số loại quần áo (hay thiếu quần áo) chắc chắn gợi ra phản ứng dâm dật đặt cô vào tình trạng bị người ta coi như một vật để mua vui.
Nhưng có một số phụ nữ sẽ phản đối: “Tại sao tôi lại có trách nhiệm ăn mặc đoan trang? Nếu một người đàn ông phải vật lộn với những tư tưởng dâm ô, đó là vấn đề của anh ta chứ đâu phải của tôi.” Nhưng người phản đối này đã quên một điểm mà ĐTC Gioan Phaolô II nói đến. Mục đích của ăn mặc đoan trang không phải để giúp đàn ông tránh được những tư tưởng dâm ô. Mục đính chính của việc ăn mặc đoan trang là để bảo vệ chính người phụ nữ. Nó giúp cô khỏi bị đối xử như một vật dụng để mua vui về xác thịt.
ĐTC Gioan Phaolô II đưa ra hai tư tưởng quan trọng giúp chúng ta hiểu điều này. Một đàng chúng ta phải nhớ rằng bản tính con người là hay sa ngã. Cho nên chúng ta không dễ dàng tránh được khuynh hướng vị kỷ khi nhìn thấy thân xác của người khác phái. Thái độ cho rằng “Tôi không cần phải quan tâm đến việc tôi phải ăn mặc thế nào – vì đó là vấn đề của đàn ông” là thái độ ngây thơ coi nhẹ Tộ Tổ Tông. Như ĐTC Gioan Phaolô II giải thích, “Hỡi ôi, người đàn ông không phải là một con người hoàn hảo đến nỗi khi thấy thân xác của một người khác . . . có thể chỉ dậy lên trong mình một sự yêu thích vô vị lợi, là sự yêu thích có thể phát triển thành cảm tình ngây thơ. Trên thực hành, nó cũng có thể dậy lên khuynh hướng tà dâm, hay một ao ước tìm vui thích đặt trọng tâm vào những giá trị phái tính và coi thường giá trị của con người” (tr. 190). Vì hậu quả của Tội Tổ Tông, ý chí của con người “quá dễ dàng chấp nhận phản ứng tà dâm và hạ người kia xuống… vai trò một vật dụng để mua vui” (tr. 191). Và khi điều này xảy ra, ĐTC Gioan Phaolô II gọi nó là “hạ nhân cách bằng việc tính dục hóa.” Người ta không nhìn người phụ nữ như một con người nữa. Cô bị hạ xuống thành một vật dụng người ta có thể dùng để hưởng thú vui xác thịt. Việc ăn mặc đoan trang giúp người phụ nữ tránh được việc bị hạ nhân cách như thế.
Mặt khác, ĐTC Gioan Phaolô II tiếp tục bằng cách nhắc cho chúng ta rằng đàn ông phải vật lộn với tật mê dâm dục nhiều hơn phụ nữ. Cho nên, chúng ta không ngạc nhiên khi các phụ nữ có thể khó mà hiểu được việc ăn mặc đoan trang gồm những gì, vì tính mê dâm dục của họ không mạnh bằng của đàn ông. “Bởi vì một người phụ nữ không tìm thấy trong mình sự mê dâm mà người đàn ông, như một luật lệ không thể không ý thức, nên cô ta không cảm thấy một nhu cầu phải che đậy ‘thân xác như một mục tiêu để mua vui” (tr. 177). Vì lý do đó mà phụ nữ thường không nhận thức được rằng một cách hành động hay phục sức nào đó có thể thật sự là thiếu đoan trang. Và họ có thể hoàn toàn không biết rằng cách ăn mặc của họ có thể làm cho họ bị đàn ông chỉ coi họ là vật dụng để thỏa mãn thú vui nhục dục. “Thường thì một phụ nữ không coi một cách ăn mặc nào đó là trơ trẽn… mặc dù có một số đàn ông, hay thực ra, nhiều đàn ông, có thể thấy như thế” (tr. 189).
Che Đậy các Phản Ứng của mình
Bình diện thứ nhì của việc xấu hổ về phái tính là khuynh hướng che đậy các phản ứng vị kỷ của chính mình đối với người khác phái khi chúng ta coi họ như là những vật dụng để hưởng lạc thú. Chúng ta ý thức rằng một con người không phải là một vật để mình sử dụng, và chúng ta cảm thấy xấu hổ khi chúng ta đối xử với người khác như thế trong cái nhìn, tư tưởng hay trí tưởng tượng của mình. Tận đáy lòng, một người đàn ông cảm thấy, “Tôi không được đụng đến nàng, ngay cả bằng một ý muốn thầm kín tìm lạc thú nơi nàng, vì nàng không thể là một vật để tôi dùng” (tr. 180).
Hãy xét đến điều thường xảy ra khi một người đàn ông nhìn chằm chằm vào một phụ nữ cách dâm dật và cô ta nhận ra điều ấy. Khi vừa bị bắt quả tang thì anh quay đi chỗ khác bởi anh cảm thấy xấu hổ vì điều mình vừa làm. Anh không muốn thái độ vị kỷ của anh đối với cô ta bị lộ tẩy. Anh biết rằng anh không có quyền đối xử với một phụ nữ như thế và anh vội vàng quay đi chỗ khác.
Tình Yêu Hứng Khởi
Bình diện thứ ba và quan trọng nhất của việc xấu hổ về phái tính là sự liên hệ của nó với tình yêu. Chung quy, việc phục sức đoan trang tìm cách gây cảm hứng cho tình yêu – tình yêu chân chính đối với một người, chứ không phải chỉ phản ứng về tính dục đối với thân xác một phụ nữ. Tận đáy lòng của một người phụ nữ, có một sự khao khát gợi hứng và cảm nghiệm tình yêu. Như thế, một người phụ nữ phải ăn mặc cách nào để làm cho người khác yêu cô như một con người.
Việc ăn mặc khiếm nhã cản trở những khả năng giúp cho tình yêu chân chính phát triển, bởi vì nó kéo sự chú ý của người ta đến những giá trị tính dục của cô đến nỗi che khuất giá trị thật của cô như một con người. Nói cách khác, một phụ nữ ăn mặc cách thiếu đoan trang có lẽ cố tình khêu gợi cho người khác phản ứng dâm dật đối với thân xác của cô. Và cô có thể hấp dẫn nhiều đàn ông đến việc coi thân xác cô như một vật dụng để mua vui. Nhưng cô không gợi hứng cho các người đàn ông yêu cô như một người.
Ở đây chúng ta thấy mục đích của việc phục sức đoan trang không phải là chỉ để giúp đàn ông tránh phạm tội. Nó cũng không đơn thuần là “một phản ứng tự vệ” bảo vệ phụ nữ khỏi bị sử dụng. Cuối cùng, mục đích của việc ăn mặc đoan trang là gây ra một phản ứng đối với giá trị của con người – chứ không phải chỉ những giá trị phái tính. Như ĐTC Gioan Phaolô II giải thích, “việc đoan trang về phái tính không phải là một cuộc chạy trốn tình yêu, mà ngược lại là một cách mở cửa cho tình yêu. Việc tự động cần phải che đậy những giá trị thuần túy xác dục gắn liền với con người là cách tự nhiên để khám phá ra giá trị của con người như là một người” (tr. 179).
Phaolô Phạm Xuân Khôi. Viết theo To Inspire Love: A Return to Modesty của Eward P. Sri, từ May/June 2006 Issue of Lay Witness Magazine
Leave a Reply