Khi Leslie nghe kể về việc BillyLu và Margie tới gặp cha JP, cô ta tức điên lên. Nhưng thay vì kết thúc mối quan hệ với BillyLu, cô ta lại quyết định chấp nhận lời mời gặp gỡ của cha JP, là điều mà cô xem là một sự thách thức. Thật thế, cô là người đã gọi điện và sắp xếp cho cuộc gặp vào ngày mai.
Một lần nữa họ gặp nhau tại một nhà hàng pizza để cùng thảo luận, có Leslie, BillyLu, Margie và cha JP – cha là người tới sau cùng vì cha có cuộc hẹn tại nhà xứ.
Leslie: Cha JP, thật vui khi cuối cùng cũng được gặp cha. Tôi đã nghe kể rất nhiều về cha, rằng cha rất thông minh. Thực ra, cha trẻ trung và đẹp trai hơn những gì tôi đã hình dung đấy. BillyLu này, đáng lẽ chị phải nói cho em biết chứ.
Cha JP: Cảm ơn chị, Leslie. Tôi cũng rất vui vì được gặp một người phụ nữ trẻ, duyên dáng và hấp dẫn như chị.
Margie: Cha JP, cha có muốn gọi đồ uống không? Tụi con đã gọi trước rồi.
Cha JP: Cảm ơn chị, Margie, chắc chắn là tôi sẽ gọi chứ….
Cha JP gọi một chai bia và sau đó tiếp tục đối thoại
Mọi người đã bắt đầu thảo luận gì chưa? Có chọn được chủ đề để nói chưa?
BillyLu: Chúng tôi đang ôn lại một vài vấn đề mà chúng tôi đã thảo luận với cha trong những lần trước – nhằm để cho chị Leslie hiểu rõ ngọn ngành. Chúng tôi muốn đợi cho cha tới rồi mới bắt đầu trình bày và cố gắng giải quyết vấn đề.
Cha JP: Tốt quá! Mọi người muốn bắt đầu từ đâu?
Kê gian – không phải tội của thành Xơ-đôm
Leslie mang ra tập vở của cô, trong đó có những câu hỏi được vạch ra sẵn cho cuộc thảo luận
Leslie: Cha JP, có lẽ chúng ta nên bắt đầu với Kinh Thánh. BillyLu nói cho tôi biết là cha bảo rằng Kinh Thánh lên án đồng tính luyến ái. Tôi có nghiên cứu một chút và phát hiện ra là hầu hết các học giả Kitô giáo ngày nay đều cho rằng Kinh Thánh giữ vị trí trung lập đối với vấn đề này.
Cha JP: Chị BillyLu này, chúng ta thật sự không thảo luận nhiều về Kinh Thánh, đúng không?
BillyLu: Vâng thưa cha, chúng ta chỉ thảo luận về một vài lời bình của cha trong cuộc đối thoại với anh Jeremy mà thôi.
Cha JP: Tôi cũng nghĩ thế. Đôi khi tôi chẳng thể nhớ điều mình đã nói và đã nói cho ai…
Leslie: Dù sao thì…trong Kinh Thánh không có chỗ nào kết án đồng tính như chúng ta hiểu ngày nay.
Cha JP: Tất nhiên, Kinh Thánh không kết án hình thái hiện tại của đồng tính, thưa chị Leslie, bởi vì Kinh Thánh mô tả hình thái các hoạt động và tội lỗi phổ biến trong thời điểm Kinh Thánh được viết ra. Nhưng, Kinh Thánh cũng đâu kết án hình thái hiện tại của phá thai, chiến tranh bằng súng đạn và chất nổ, hoặc là sự thống-ác dâm đâu.
Tuy nhiên, điều mà Kinh Thánh mô tả là Thiên Chúa đã kết án hai thành Xơ-đôm và Gô-mô-ra vì tội lỗi khủng khiếp của chúng ra sao, và Kinh Thánh đã lên án hành vi đàn ông ăn nằm với đàn ông thế nào (Lv 18, 21-23).
Leslie: Nhưng, thực tế là Kinh Thánh không thực sự xác định tội của thành Xơ-đôm là đồng tính. Trong Luca 10, 12 Chúa Giêsu xác định tội của thành Xơ-đôm là không hiếu khách mà thôi.
Đa số các học giả kết luận rằng đó là một loại thành kiến về văn hoá chống lại sự đồng tính có liên hệ tới sự diệt vong của thành Xơ-đôm vì hành vi tình dục đồng tính: văn hoá này chống lại và cố gắng đè bẹp bất cứ hành vi nào ngăn chặn hoặc làm chậm sự gia tăng dân số – vì họ cần một lượng lớn các chiến binh cho chiến trận. Vì thế, họ đã mô tả Thiên Chúa trừng phạt hành vi đồng tính bằng sự hủy diệt toàn diện sự sống của một ngôi thành.
Chúa Giêsu đã làm rõ mọi sự cho chúng ta, Người giải thích rằng tội của thành Xơ-đôm là do dân thành đã không đón tiếp khách đi đường cách ân cần niềm nở. Nó chẳng có gì liên quan tới tình dục cả.
Margie: Con cũng có nghe về cách chú giải này rồi, thưa cha.
Cha JP: Chúng ta hãy đọc xem Chúa Giêsu nói gì…đây rồi…trong đoạn này, thánh Luca mô tả Chúa Giêsu sai các môn đệ đi giảng dạy thế này đây:
Đừng mang theo túi tiền, bao bị… Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này!’ Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó… Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: ‘Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.’ Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: ‘Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.’ Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó” (Luca 10, 4-12).
Đây là trích đoạn mà chị đang nói tới, đúng không Leslie?
Leslie: Phải, chính nó đó.
Cha JP: Chà, trong đoạn trích này tôi không hề thấy ở chỗ nào Chúa Giêsu lại nói tội của thành Xơ-đôm là không hiếu khách cả. Nhưng đoạn trích lại cho thấy hễ làng nào không đón nhận Tin Mừng mà các môn đệ rao giảng sẽ bị trừng phạt còn nặng hơn thành Xơ-đôm, mà thành Xơ-đôm đã phải chịu án hủy diệt toàn diện đấy.
BillyLu: Việc không đón tiếp các môn đệ – là những người mang sứ điệp Tin Mừng – không phải là cũng tương tự với sự thiếu ân cần với khách bộ hành hay sao? Các môn đệ cũng là khách bộ hành mà, đúng không?
Cha JP: Đúng thế, nhưng BillyLu à, chúng ta cần phải thật chính xác trong việc giải thích điều Kinh Thánh trình bày. Chúng ta đừng thêm vào nhiều hơn những gì Kinh Thánh muốn nói. Nếu Kinh Thánh chỉ viết rằng những ai không đón nhận Tin Mừng sẽ bị trừng phạt nặng nề hơn, thì đó là tất cả những gì Kinh Thánh muốn truyền tải.
Leslie: Nhưng, trong sách Sáng Thế, Kinh Thánh đâu có cho chúng ta biết tội của thành Xơ-đôm là gì đâu.
Cha JP: Được rồi, vậy chúng ta hãy đọc xem sách Sáng Thế viết gì. Ở đây chúng ta đọc thấy ông Lót đón tiếp hai vị khách vào nhà mình ra sao – thực chất đó là hai thiên thần trong hình dáng con người. Rồi Kinh Thánh chép thế này:
Trước khi họ đi ngủ, những người đàn ông Sô-đôm từ trẻ đến già khắp trong thành phố đến vây quanh nhà. Chúng gọi Lót ra hỏi: “Hai người khách vào nhà anh khi tối ở đâu? Đem họ ra cho chúng ta ngủ với họ!” Lót ra khỏi nhà, đóng sập cửa sau lưng, rồi van nài họ: “Anh em ơi, đừng làm điều ác đó! (Bản dịch của VietNVB) (St 19, 4-7).
Ông Lót xin dân thành Xơ-đôm đừng làm điều ác, chứ không phải là đừng “know / biết” họ (ở đây biết được bản dịch của KTCMN 4:1 viết: “Adam ăn ở với Evà”).
Margie: Và khi Kinh Thánh viết “đưa họ ra để chúng tôi biết họ”, có nghĩa là dân thành Xơ-đôm muốn quan hệ tình dục với hai vị khách, đúng không?
Leslie: À, đó là một trong những ý nghĩa Thánh Kinh của cụm từ “to know” (biết) đấy Margie. Một nghĩa phổ biến hơn của “biết” có thể là “làm quen”. Chính nghĩa này mới được tìm thấy thường xuyên hơn trong Kinh Thánh, hơn là nghĩa “quan hệ tình dục”.
Tuy nhiên, người dân thành Xơ-đôm đòi cưỡng bức hai vị khách ở đây thật sự không phù hợp với bối cảnh. Nó ngụ ý rằng toàn thể người nam trong thành đều là người đồng tính, và ai ai trong số họ cũng muốn cưỡng bức hai vị khách kia. Thế nhưng, qua ước lượng trong xã hội “dễ dãi, nhân nhượng” nhất, thì 10% trong toàn thể dân số là người đồng tính đã được xem là cao rồi.
Cho nên, khả năng dễ xảy ra hơn, đó là toàn thể cư dân nam giới của thành Xơ-đôm chỉ muốn làm quen với hai vị khách lạ vừa đến viếng thăm thành của họ mà thôi. Đó là vì những vị khách lạ này có thể là gián điệp và có thể gây nguy hại cho an ninh của toà thành.
Cha JP: Đúng thế, họ đúng là gián điệp, “gián điệp” cho Thiên Chúa. Thiên Chúa sai họ đến để “xem thật sự chúng có làm như tiếng kêu trách đã thấu đến Ta không” (St 18, 21).
Thế nhưng, làm quen với những người bị tình nghi là gián điệp lại không phải là tội của họ, nhưng là bởi vì họ đã tham gia vào hành vi tình dục bừa bãi, “bất bình thường”, như thư thứ hai của thánh Phêrô (2, 1-19) và thư thánh Giuđa (c.17) đã nói rõ. Những gì được chép trong hai thư ấy chỉ là minh hoạ cho những gì mà dân thành Xơ-đôm định làm với hai vị khách này mà thôi.
Leslie: Chờ chút đã, cha JP, diễn giải như thế thì có vài điểm khó khăn đấy. Nếu sách Sáng Thế thật sự kết án hành vi cưỡng dâm đồng tính, thì mọi chuyện trông thật lạ lùng đến tồi tệ khi Lót đề nghị dâng hai đứa con gái còn trinh cho dân thành lại được ủng hộ. Hãy xem qua Kinh Thánh của mấy người nói gì đây này:
Lót ra khỏi nhà, đóng sập cửa sau lưng, rồi van nài họ: “Anh em ơi, đừng làm điều ác đó! Đây tôi có hai con gái còn trinh, để tôi dẫn chúng ra cho anh em muốn làm gì mặc ý. Nhưng xin đừng động đến hai ông khách của tôi, vì họ đến tá túc dưới mái nhà tôi!” (St 19, 6-8).
Margie: Kinh khủng quá cha ơi! Tại sao Thiên Chúa lại cho phép điều đó?
Cha JP: Chị Margie và Leslie, xin hãy lưu ý, Chúa đã không để điều đó xảy ra; hai người con gái của ông Lót đã không bị xâm hại. Cả Lót và hai thiên thần cũng không cho phép điều đó xảy ra đâu. Trông thì đúng là ông Lót muốn dâng hai đứa con cho dân thành chơi, nhưng thực chất đó lại là một cách để biểu lộ sự khủng khiếp của tội ác mà dân thành tính thực hiện – “cưỡng bức những vị khách này còn là một thứ tội ác khủng khiếp hơn cả việc cưỡng bức hai người con gái yêu dấu của tôi trước mắt tôi, Chúa cấm điều đó”. Tôi chắc rằng ông Lót sẽ không bao giờ để cho con gái mình bị xâm hại đâu.
Mà thú vị thay, chị Leslie, chị dùng đoạn trích này, trong đó động từ “to know” phải chắc chắn được hiểu theo nghĩa “giao cấu” – chứ không phải là “làm quen” – chỉ trong lần này mà thôi, cụm từ đó ám chỉ sự cưỡng dâm hai đứa con gái còn trinh của ông Lót, thay vì theo nghĩa cưỡng dâm đồng tính hai vị khách kia.
BillyLu: Vậy tại sao Kinh Thánh lại gợi ý rằng việc ông Lót dâng hai đứa con gái cho người ta chơi là chuyện chấp nhận được? Chẳng lẽ cưỡng dâm phụ nữ là chuyện được phép, còn cưỡng dâm đàn ông thì không được phép hay sao?
Cha JP: Kinh Thánh đâu có nói cưỡng dâm phụ nữ là chuyện được phép làm, nhưng Kinh Thánh muốn cho chúng ta thấy ông Lót đã tuyệt vọng tới mức nào. Dân thành Xơ-đôm hẳn thừa biết cưỡng dâm con gái ông Lót trước mặt ông là chuyện kinh khủng đối với ông ta – ông Lót chỉ đang cố diễn tả một cách sinh động nhất có thể, rằng những gì mà họ định làm – cưỡng dâm hai vị khách – cũng là một tội ác kinh khủng đối với ông như vậy. Ông Lót biết Thiên Chúa đã gửi hai vị này đến với ông. Họ đã từng ở với bác của ông là Abraham. Ông coi họ là những con người đã được thánh hiến cho Thiên Chúa, là đại diện cho Người. Cho nên, nếu dân thành Xơ-đôm cưỡng dâm hai con người thiêng thánh này, cũng có nghĩa là họ đã thực hiện một hành vi phạm thánh, báng bổ nhất đối với Thiên Chúa. Nó cũng tương tự với việc cưỡng bức Thiên Chúa vậy.
Sự diệt vong của dân vùng Ghíp-a
Leslie: Nhưng trong sách Thủ Lãnh, Kinh Thánh thực đã chấp thuận việc cưỡng dâm một người con gái còn trinh.
Cha JP: Được rồi, chị Leslie, chúng ta hãy cùng xem đoạn trích đó. Phải, trong chương 19 sách Thủ Lãnh, chuyện tương tự đã xảy ra tại Ghíp-a, một ngôi làng nhỏ gần Jerusalem. Một thầy tư tế Lê-vi đang trên đường trở về nhà với cô vợ hay nàng thiếp bất trị của mình. Họ tới Ghíp-a để nghỉ qua đêm tại đây, thì dân trong vùng xúm lại đòi cưỡng dâm thầy Lê-vi ấy. Chị Margie, phiền chị đọc cho chúng ta nghe đoạn trích đó được không? Nó đây.
Margie: Tất nhiên rồi, thưa cha. Đoạn trích ấy như sau:
Đang khi họ ăn uống vui vẻ với nhau, thình lình một đám người trong thành, là những kẻ trái thói tình dục, đến vây quanh nhà và đập cửa. Chúng nói với chủ nhà: “Hãy đem người đàn ông đã vào nhà ông ra đây, để chúng tôi ăn nằm với hắn.” Nhưng ông cụ, là chủ nhà, ra nói với chúng rằng: “Hỡi anh em! Xin đừng. Tôi năn nỉ anh em, đừng làm chuyện ác đức đó. Vì người ấy đang làm khách trong nhà tôi. Xin anh em đừng làm chuyện đồi bại ấy. Kìa, con gái của tôi vẫn còn trinh và cô vợ bé của người ấy đây. Để tôi dẫn họ ra cho anh em. Anh em muốn hãm hiếp họ hay làm gì với họ tuỳ ý, nhưng đối với người đó, xin anh em đừng làm chuyện đồi bại ấy” (Tl 19, 22-24) (Bản dịch VietNBV).
Cha JP: Một lần nữa, người ta định cưỡng dâm đồng tính một người đã được thánh hiến cho Thiên Chúa, vì đó là một thầy tư tế Lê-vi. Ông chủ nhà đã cho dân làng thấy điều họ muốn làm đáng ghê tởm tới mức nào, đến nỗi ông ta cho rằng cưỡng dâm đứa con gái còn trinh của ông dù sao vẫn không kinh tởm bằng cưỡng dâm Thiên Chúa thông qua việc cưỡng dâm thừa tác viên thánh của Người.
Margie: Nhưng trong lần này, người con gái của ông chủ nhà cũng bị cưỡng bức, đúng không cha?
Cha JP: Không, ngay cả khi dân làng không chịu nghe lời ông chủ nhà mà dằn cơn dục vọng, thì ông ta vẫn không hề đưa con gái mình ra cho họ. Thay vào đó, dân chúng:
Nhưng đám người đó không chịu nghe lời cụ. Vậy người khách đành phải trao cô vợ bé mình ra. Chúng hãm hiếp nàng và lăng nhục nàng thâu đêm; đến khi gần sáng chúng thả nàng ra. 26 Khoảng rạng đông, nàng ráng sức trở về nơi chồng nàng tạm trú; về đến nơi, nàng ngã dài trước cửa và nằm đó cho đến khi trời sáng hẳn (Tl 19, 25-26) (Bản dịch VietNBV).
Và sau đó, người phụ nữ ấy qua đời.
Leslie: Ồ, vậy là Kinh Thánh cho phép cưỡng dâm một người phụ nữ cho tới chết, miễn là người ấy không còn trinh? Cha giải thích chuyện này sao đây? Rằng Kinh Thánh cho phép những chuyện như là cưỡng dâm phụ nữ không còn trinh ư? Wow, đúng là kinh tởm. Sau những chuyện này, đồng tính luyến ái cũng chẳng còn tệ là mấy.
Cha JP: Không phải thế, chị Leslie ạ, Kinh Thánh không chấp thuận tội ác nghiêm trọng này. Kinh Thánh nói cho ta biết Thiên Chúa nổi giận và bắt toàn thể 12 chi tộc phải chịu trách nhiệm cho tội ác này:
Mọi người, ai thấy cũng đều nói: “Chưa xảy ra và chưa hề thấy như thế bao giờ, kể từ ngày con cái Ít-ra-en từ đất Ai-cập đi lên cho tới nay. Hãy suy nghĩ xem, hãy bàn luận và lên tiếng!” (Tl 19, 30).
Tất cả con cái Israel họp lại, “muôn người như một” và tiêu diệt toàn bộ dân vùng Ghíp-a vì những gì họ đã làm (Tl 20), y như thiên sứ đã hủy diệt thành Xơ-đôm vậy. Vì thế, Kinh Thánh cũng đồng ý với chị, rằng tội ác này thực sự rất kinh tởm.
Kinh Thánh không nói gì về đồng tính
Leslie: Thôi được rồi, cha JP…nhưng dù là thế…thì tội của dân thành Xơ-đôm và dân vùng Ghíp-a là tội nặng vì người ta phạm tội này với những người được thánh hiến cho Thiên Chúa, chứ đâu phải vì tội này dẫn đến hành vi đồng tính đâu.
Cha JP: Chính xác, chị Leslie, nhưng dân chúng chỉ có thể thực hiện hành vi phạm tội đối với người được thánh hiến thông qua phương thế là hành vi đồng tính. Thậm chí ngay cả trước khi những sự kiện này xảy ra, dân thành Xơ-đôm đã bị coi là “xấu xa” rồi, và họ “mắc tội nặng đối với ĐỨC CHÚA” (St 13, 13), “tội lỗi của họ thật quá nặng nề” (St 18, 20).
Leslie: Nhưng điều đó chẳng liên can gì đến những con người đồng tính đáng yêu, đáng kính, biết quan tâm và có mối quan hệ lâu dài như chúng ta thấy ngày nay. Chẳng có chỗ nào trong Kinh Thánh nhắc đến kiểu đồng tính như thế cả. Kinh Thánh đâu có đưa ra chỉ dẫn riêng biệt nào dành cho hình thái đồng tính thời hiện đại.
Tuy nhiên, Kitô giáo lại tuyên bố rằng sự sáng tạo là tốt đẹp (thậm chí là những người đồng tính như chúng tôi đây). Thiên Chúa yêu thương mọi sự Người dựng nên (phải, cả chúng tôi nữa)! Nhưng không – các nhóm thuộc Kitô giáo như Living Hope và Courage lại bảo rằng chúng tôi cần phải thay đổi, vì Chúa đã phạm sai lầm khi Người dựng nên chúng tôi, chúng tôi là đồ xấu xa.
Cha JP: Chị Leslie, tôi đồng ý với chị rằng vạn vật Chúa dựng nên đều tốt đẹp. Vì được Chúa dựng nên, tôi và chị đều tốt đẹp cả. Nhưng tới một mức độ nào đó, khi tôi phạm tội, khi tôi đưa ra những lựa chọn ích kỷ, thì tôi không tốt.
Chị hãy nhìn xem, rất nhiều điều chúng ta coi là tội mà Kinh Thánh đâu có đề cập đến. Ví dụ, Kinh Thánh không nói bất kì điều gì về một mối quan hệ loạn luân, nhưng đầy yêu thương, tôn trọng, quan tâm chăm sóc và bền lâu giữa cha và con gái, hay giữa anh chị em với nhau đâu. Kinh Thánh cũng không nói về một mối quan hệ dài lâu, yêu thương, tôn trọng và quan tâm, nhưng lại có liên quan tới hành vi giao cấu giữa con người và “người bạn thân thiết nhất của họ” – là loài chó – đâu. Kinh Thánh không mô tả loại hình khiêu dâm trên mạng như chúng ta thấy ngày nay, cũng chẳng hề nhắc tới loại hình khiêu dâm trẻ em đang tràn lan trên Internet. Tuy nhiên, các nguyên tắc đạo đức trong Kinh Thánh là đã đủ cho chúng ta biện phân rằng những điều đó là vô luân.
Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa mặc khải nhiều điều về bản thân Người, về con người chúng ta, và về mối tương quan mà Người kêu gọi chúng ta bước vào. Chúng ta cần tôn trọng những gì Người nói.
Leslie: Đồng ý, chúng ta nên tôn trọng những gì Người nói và những gì Người tránh không nói. Chúa Giêsu chưa bao giờ nói gì về đồng tính cả. Chúng ta chỉ có thể bước tới một kết luận chính thức về sự đồng tính trong Vương Quốc của Thiên Chúa từ một nền tảng hiểu biết vững chắc về sứ điệp Tin Mừng của Đức Kitô, đó là tình yêu nơi Tin Mừng của Chúa dành cho tất cả chúng ta…cho từng người chúng ta, thưa cha JP. Thành kiến văn hoá trong Giáo Hội sơ khai đã gây nên thái độ thù ghét người đồng tính mà chúng ta thấy nơi rất nhiều người tự xưng là Kitô hữu ngày nay.
Đức Kitô sẽ kết án các người như các thiên thần kết án thành Xơ-đôm, vì đã không mở rộng vòng tay chào đón người đồng tính chúng tôi:
Bấy giờ Ngài phán với những người ở bên trái: ‘Hỡi những kẻ bị rủa sả, hãy lui ra khỏi Ta mà vào lửa đời đời đã sắm sẵn cho quỷ vương và quỷ sứ nó. Vì khi Ta đói, các người không cho Ta ăn… Ta là khách lạ, các người không tiếp đãi’” (Mt 25, 41-43).
Cha là người thông minh và hiểu biết nhiều về Kinh Thánh, nhưng cha cũng cần phải học cách sống Lời Chúa nữa.
Cha JP: Chị Leslie, tôi luôn cố gắng sống Lời Chúa và chào đón chị đấy thôi. Tôi nhận thấy Chúa đòi hỏi tôi phải rao giảng Tin Mừng cho chị, bởi Người đã giao phó cho tôi sứ vụ đó. Nếu tôi bằng cách này hay cách khác giảm nhẹ đi chân lý trong Tin Mừng, tôi sẽ bị Chúa kết án.
Giáo Hội Công Giáo luôn chào đón và tôn trọng những ai có khuynh hướng đồng tính. Mỗi con người được phú ban cho phẩm giá cao vời vì là con cái Chúa. Cho nên, thể hiện sự coi thường, thiếu lòng trắc ẩn, hay thờ ơ trước người đồng tính là một trọng tội (GLCG 2358). Giáo lý này hoàn toàn tuân theo Tin Mừng của Chúa Kitô. Nhưng, tình dục ngoài hôn nhân – dù là khác giới hay đồng giới – là một trọng tội, và đó cũng là một phần của sứ điệp Tin Mừng của Chúa Kitô.
Và tôi đang cố gắng giúp chị hiểu được một số đoạn văn khó hiểu trong Kinh Thánh. Tôi đang cố làm thế trong tình bác ái, nhưng bởi sự yếu đuối của tôi mà tôi có thể làm chị thất vọng lúc này hay lúc khác. Tôi rất xin lỗi vì những thất bại vô cùng thiếu cẩn trọng của mình.
Margie: Cảm ơn cha vì đã dám trình bày những chủ đề khó nhằn như thế này. Con rất cảm kích những nỗ lực của cha, vì rõ ràng là cha đang cố sống trung tín với giáo lý Kitô giáo, cùng với việc thể hiện sự nhạy bén, tinh tế trước những ai không sống theo giáo lý đó. Nhiều Kitô hữu chỉ cảm thấy nản lòng và bực bội. Con rất ngưỡng mộ cách cha nói lên chân lý trong sự đĩnh đạc và đức bác ái.
BillyLu: Em cũng rất cảm kích vì những nỗ lực của cha JP, chị Margie à, nhưng thực tế là tội duy nhất mà Kinh Thánh có đề cập rõ ràng là lạm dụng tình dục, cưỡng dâm, mại dâm và điếm thần. Kinh Thánh không nói gì cách minh nhiên về một mối quan hệ đồng tính thời hiện đại, đầy yêu thương và quan tâm chăm sóc lẫn nhau cả. Vì thế, nếu Kinh Thánh không đề cập tới đồng tính thời hiện đại, thì làm sao cha lại có thể sử dụng Kinh Thánh để kết án điều đó được?
Cha JP: Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa mặc khải kế hoạch cứu độ của Người, đó là kế hoạch để chuộc lấy Hiền Thê của Người là Giáo Hội. Ta hãy giả sử một người nam cầu hôn một người nữ và cô ấy đồng ý. Người nam hứa sẽ chia sẻ gia tài kếch xù với người vợ tương lai, với điều kiện là cô phải trung tín với chàng. Cụ thể, cô phải cắt đứt mọi mối quan hệ còn đang tiếp diễn với nhân tình cũ. Cô chấp thuận lời cầu hôn và điều kiện của anh ấy.
Sau đó, người nam bắt quả tang vợ tương lai của mình đang ở trên giường với một người phụ nữ. Như thế liệu có bất công cho người nam khi anh ta cắt đứt mọi mối liên hệ cũng như quyền thừa kế tài sản của cô ta hay không?
BillyLu: Như thế thì rất công bằng và hợp lẽ. Cô ta là người bất trung mà.
Cha JP: Nhưng cô ta có thể nói với cựu hôn phu rằng: “anh chỉ nói với em là hãy ngừng mọi quan hệ với tình nhân cũ thôi mà. Anh đâu có nói gì về mối quan hệ yêu đương với một người đàn bà”.
Margie: Cô ta sẽ bị đuổi đi, dù có lấp liếm như thế nào đi nữa. Trung tín có nghĩa là giữ gìn thể xác và quà tặng là toàn bộ hữu thể mình dành riêng cho một tình yêu trọn đời mà thôi. Quan hệ tình dục với đàn ông hay đàn bà, hoặc với thú vật hay tự thủ dâm đi nữa, cũng đã vi phạm lời hứa trung tín rồi.
Cha JP: Kinh Thánh cho chúng ta thấy Thiên Chúa mời gọi chúng ta bước vào trong mối tương quan với Người. Người nói cho chúng ta biết điều gì làm phật lòng Người, điều gì sẽ ngăn trở không cho chúng ta tiến vào miền Đất Hứa?
ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê rằng: “Hãy nói với con cái Ít-ra-en… Các ngươi không được làm như người ta làm trên đất Ai-cập, nơi các ngươi đã ở… Các ngươi hãy thi hành các quyết định của Ta, giữ và theo các quy tắc của Ta.Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi… Ngươi không được giao hợp với vợ của một người đồng bào, để khỏi ra ô uế vì người đàn bà ấy.
Ngươi không được lấy đứa nào trong con cái ngươi mà nhượng lại cho thần Mô-léc và không được xúc phạm đến danh của Thiên Chúa ngươi. Ta là ĐỨC CHÚA. Ngươi không được nằm với đàn ông như nằm với đàn bà: đó là điều ghê tởm. Ngươi không được giao hợp với bất cứ con vật nào, để khỏi ra ô uế vì nó ; đàn bà không được đứng trước thú vật để giao cấu với nó: đó là điều quái đản… Phần các ngươi, hãy giữ các quy tắc và quyết định của Ta, và không được làm một điều nào trong những điều ghê tởm ấy, dù là người bản xứ hay ngoại kiều sống giữa các ngươi. Thật vậy, những người ở trong đất trước các ngươi đã làm tất cả những điều ghê tởm ấy, và đất đã ra ô uế…Vì bất cứ ai làm một trong những điều ghê tởm ấy, thì chính người làm sẽ bị khai trừ ra khỏi dân nó” (Lv 18, 1-30).
Tôi đang cố gắng sống đúng với sứ điệp này, cũng như truyền tải nó cho các chị cách trung tín nhất có thể. Nếu tôi không làm thế, tôi sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa vì lầm lỗi này.
Leslie: Nhưng những lời cảnh cáo trong Cựu Ước đã được thay thế bởi lời hứa của Phaolô dành cho các tín hữu rồi mà:
Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính ; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ. Kinh Thánh nói: Mọi kẻ tin vào Người sẽ không phải thất vọng. (Rm 10, 9-11).
Tại sao cha lại cứ gắn bó với cái danh sách các tội ấy trong Cựu Ước làm gì, trong khi đó Phaolô đã bảo chúng ta rằng tất cả những gì chúng ta cần làm là tin và tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa?
Cha JP: Chị Leslie, những lời cảnh báo trong Cựu Ước gần như là tương đồng với lời của thánh Phaolô đấy:
Nào anh em chẳng biết rằng những kẻ bất chính sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp sao? Anh em đừng lầm. Những kẻ dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, truỵ lạc, kê gian, những kẻ trộm cướp, tham lam, say sưa rượu chè, quen chửi bới, sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp. Trước kia, có vài người trong anh em đã là như thế. Nhưng anh em đã được tẩy rửa, được thánh hoá, được nên công chính nhờ danh Chúa Giêsu Kitô và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta! (1 Cr 6, 9-11)
Và lần nữa Thánh Phaolô viết:
Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa (Gl 5, 19-21).
Cả thánh Phaolô và tôi đều không muốn nhìn thấy chị đánh mất cơ hội vào Đất Hứa, hoặc thậm chí mất quyền thừa kế trong Vương Quốc của Thiên Chúa. Đức tin chân chính phải là sự hoán cải đến từ con tim.
Hành vi liều lĩnh là vô luân
Leslie: Cha JP, tôi rất cảm ơn cha vì những nỗ lực đó, dù rằng tôi bất đồng ý kiến với cách phân tích Kinh Thánh của cha. Đó là một cách tiếp cận vô cùng bảo thủ và lỗi thời, nhưng tôi tôn trọng sự chân thành của cha. Trong số những người tôi đã gặp, cha ít phê phán người đồng tính hơn.
BillyLu cũng có kể tôi nghe về các nghiên cứu khoa học mà cha có trích dẫn. Theo cách tôi hiểu, cha tuyên bố rằng khoa học chứng minh đồng tính luyến ái là vô luân.
Cha JP: Tôi tuyên bố cái gì cơ?
Leslie: Ờ thì, lối sống đồng tính là vô luân vì nó mang đến nhiều rủi ro. Tôi đoán, sở dĩ có sự tranh luận như thế là vì hành vi quan hệ đồng tính chứa nhiều rủi ro, và hành vi liều lĩnh như thế là vô luân, cho nên đồng tính luyến ái là vô luân.
Margie: À, điều đó thì đúng đấy, chị Leslie.
Leslie: Em có chắc là đúng hay không, Margie?
Hẳn rồi, một vài hình thức quan hệ đồng tính có rủi ro thật, nhưng nó cũng giống với một vài hình thức quan hệ khác giới, cũng chứa rủi ro đó thôi. Ví dụ, quan hệ bằng đường hậu môn giữa những người đồng tính nam mà không sử dụng biện pháp an toàn thì chứa nhiều rủi ro truyền nhiễm HIV hơn là quan hệ khác giới. Tuy nhiên, quan hệ khác giới lại có nhiều rủi ro lây nhiễm HIV hơn là quan hệ đồng tính nữ. Vì thế, lập luận của em là không thoả đáng. Em nên ủng hộ tình dục đồng tính nữ như là một cách giảm thiểu các hành vi chứa đựng rủi ro và vô đạo đức mới phải.
Cha JP: Logic của chị gần như là chính xác rồi đấy, nhưng đó không phải là mối bận tâm mà chúng ta đã thảo luận. Chúng ta không tập trung vào những mối rủi ro của đồng tính luyến ái, nhưng là vào hệ quả mà nó có thể đem lại cho sức khoẻ thể chất cũng như tâm thần của con người, cũng như, hậu quả nó có thể gây nên cho gia đình, xã hội và các mối quan hệ khác.
Chúng ta cũng đã bàn luận điều này trong thế song song với chứng nghiện rượu. Chúng ta không tập trung quá nhiều vào các mối rủi ro do nghiện rượu gây nên, nhưng là vào những hậu quả mà nó có thể đem đến cho người nghiện, cho gia đình và bạn bè họ, cũng như cho toàn thể xã hội. Nghiện rượu có thể làm gia tăng nguy cơ mắc một số chứng bệnh, cũng như nguy cơ gây tai nạn cho người nghiện, nhưng nó còn gây hại nhiều hơn thế cho gia đình và xã hội nữa.
Chắc chắn mỗi hành vi đều chứa đựng một số rủi ro nhất định, nhưng rủi ro không khiến cho hành vi đó trở nên vô luân. Nếu là thế, thì con người nên ở nhà thay vì lái xe đi làm – vì lái xe gia tăng đáng kể rủi ro bị tử vong vì tai nạn xe cộ cho người lái. Nhưng, thông thường lợi ích của việc lái xe đi làm thì nhiều hơn đáng kể so với chút rủi ro có thể tồn tại trong việc lái xe.
BillyLu: Quay trở lại với lập luận của chị Leslie, đúng là quan hệ đồng tính nữ ít rủi ro hơn quan hệ khác giới. Vì thế, chúng ta không nên kết án nó vô đạo đức.
Cha JP: Về vấn đề lây truyền HIV, quan hệ đồng tính nữ về mặt thể lý có thể ít rủi ro hơn tình dục giữa đàn ông và đàn bà, nếu hai người họ có nhiều bạn tình khác nhau, nhưng ai mà “dám” thử nghiệm quan hệ đồng tính nữ thì khả năng cao là sẽ tham gia vào các hình thái quan hệ khác giới nhiều rủi ro hơn nữa, và trung bình sẽ có nhiều bạn tình hơn.
Vì thế, người đồng tính nữ thường sẽ chịu nhiều rủi ro lây nhiễm HIV hợn là người nữ có quan hệ tình dục với người nam.
Thêm vào đó, các nghiên cứu gần đây tại UCLA cho thấy tình dục đường miệng – trong tình dục đồng tính nữ – cũng có thể lây truyền virus HIV và gia tăng rủi ro mắc ung thư họng từ virus HPV. Người quan hệ tình dục như thế cũng có thể bị mắc bệnh mụn giộp, giang mai và lậu. Nguy cơ cho người đồng tính nữ bị ung thư vú cũng cao hơn nhiều. Cho nên, chẳng thể nào nó an toàn hơn cả.
Nếu đàn ông và đàn bà thật sự làm theo kế hoạch của Chúa và đợi cho đến lúc kết hôn rồi mới quan hệ, thì các mối nguy hại về sức khoẻ nơi họ sẽ trở về bằng không.
Leslie: Nhưng mà, cứ cho là chúng tôi tự mình gia tăng rủi ro cho bản thân đi, nhưng miễn là điều đó không tác động gì đến sức khoẻ cộng đồng, thì tôi tự hỏi người ta có nên quan tâm đến chuyện này hay không? Cho dù lái xe đi làm thay vì đi bộ hay đi buýt, thì đó là rủi ro tôi tự chịu, và đó cũng là chuyện riêng tư của tôi, và người ta không nên quan trọng hoá chuyện này làm gì.
Thực hiện hành vi tình dục theo dạng này hay dạng khác là chuyện riêng tư, và có thể nó sẽ gia tăng rủi ro về sức khoẻ cho bản thân tôi đấy, nhưng đó là chuyện của riêng tôi và không ai có quyền can thiệp hay phản đối cả.
Cha JP: Vậy chúng ta có nên quan tâm đến việc người nghiện rượu uống quá chén hay không, miễn là điều đó không ảnh hưởng tới người khác hoặc tới an ninh xã hội?
Chị Leslie, vấn đề liên quan tới việc đặt câu hỏi này là: nó giả sử rằng hành vi của chúng ta không có tác động gì lên người khác hoặc lên an sinh xã hội. Tuy nhiên, nếu ai đó uống rượu vô độ, thường thì điều đó sẽ gây hại cho người khác. Nghiện rượu làm tổn thương mối quan hệ của người đó với gia đình, đặc biệt là khi người đó say và có hành vi bạo lực. Nó cũng ảnh hưởng tới sức khoẻ người nghiện, và do đó sẽ làm cho các loại phí tổn về bảo hiểm và chăm sóc sức khoẻ công cộng trở nên đắt đỏ hơn đối với những ai không lạm dụng bia rượu.
Chúng ta không muốn quản lý cuộc sống người ta từng li từng tí, nhưng chúng ta phải nhận ra rằng mọi thứ chúng ta làm đều có ảnh hưởng tới người khác.
Leslie: Nhưng người đồng tính không phải là mối nguy hại cho xã hội, thậm chí còn không phải với gia đình. Chúng tôi chỉ muốn sống yên ổn. Chúng tôi cũng có thể tận tâm cho gia đình mình. Miễn là những gia đình như thế luôn tràn đầy tình yêu, sự đồng cảm và tận tụy – đó là những giá trị gia đình – thì như thế có gì sai?
Không đời nào có chuyện đại đa số con người sẽ ngưng không kết hôn khác giới nữa. Chúng tôi đâu muốn điều đó, cũng không tìm cách khiến điều đó xảy ra. Mấy người hoang tưởng tới cái độ sợ người ta sẽ kết hôn đồng giới hết à? Thật sự chỉ là có một số người cảm thấy hạnh phúc trong mối quan hệ khác giới, một số khác thì hạnh phúc khi sống đời đồng tính, và một số khác nữa thì vui với đời độc thân. Khi con người được hạnh phúc, đó là điều tốt cho họ, và cho cả xã hội.
Cha JP: Chị Leslie, tôi không nhìn nhận đồng tính là một hiểm hoạ cho gia đình hay xã hội, nhưng là hiểm hoạ cho cá nhân và hạnh phúc đích thực của mỗi người.
Tôi thường thấy thanh thiếu niên kè cặp với nhau và có bạn trai bạn gái. Cả hai trở nên gắn bó với nhau về mặt tình cảm và thể lý, chỉ để đau khổ tột cùng khi phải chia tay. Một số em bị tổn thương đến nỗi, họ nghĩ rằng mình không thể sống hạnh phúc nếu thiếu đối phương, vì thế họ đã chọn cách tự sát. Thậm chí đã có chuyện xảy ra là họ đã giết bạn trai/bạn gái cũ của mình trước khi tự vẫn.
Vì thế, như tôi trình bày quan ngại của tôi về đồng tính luyến ái, nó có liên quan tới chị và chị BillyLu như những nhân vị – liên quan đến hạnh phúc đích thực của hai người, ngay lúc này và mãi về sau – hơn là liên quan đến hiểm hoạ cho gia đình và xã hội.
BillyLu: Sao cha lại phải bảo cho tôi và chị Leslie biết những gì sẽ khiến chúng tôi hạnh phúc cơ chứ? Chúng tôi là người lớn rồi, không phải con nít chưa trưởng thành. Bộ chúng tôi không thể tự mình quyết định chuyện đó hay sao?
Cha JP: Mặc dù phép loại suy này không thật sự giống nhau, chị BillyLu, nhưng khi so sánh với Thiên Chúa, chúng ta chỉ là những thanh thiếu niên đó, thậm chí còn nhỏ hơn nữa là đằng khác. Người quan tâm đến hạnh phúc đích thực của chúng ta, và muốn giúp chúng ta đạt được điều đó.
Vì thế, chúng ta có thể thấy bằng ví dụ của những người thanh thiếu niên đau khổ, họ cũng đã nói những điều giống hệt chị vừa mới nói: “được ở bên cạnh bạn trai bạn gái tôi là điều làm tôi hạnh phúc. Ông là ai mà dám lên tiếng bảo tôi về điều gì sẽ khiến tôi hạnh phúc? Nếu tôi không thể có được nó, vậy thì…”
Sự quan tâm đích thực dành cho những thanh thiếu niên đau khổ có nghĩa là chúng ta đang cố giúp họ tìm thấy hạnh phúc đích thực, ngay cả khi điều đó dường như là bất khả thi đối với họ lúc bấy giờ.
Nhưng đồng tính luyến ái là một điều tốt mà
Leslie: nhưng đồng tính không chỉ là có thể chấp nhận được, thực tế là nó tốt về mặt luân lý đấy, cha JP.
Đầu tiên, đối với người đồng tính chúng tôi, tình dục đồng tính rất là sướng khoái. Sự khoái cảm là một điều tốt, vì chính Chúa đã tạo nên nó. Nhưng, xã hội đầy khắt khe này đã cố làm cho chúng ta cảm thấy tội lỗi khi tìm kiếm sự hoan lạc, nhưng đó là một điều tốt về mặt con người mà chúng ta phải hân hoan trong nó. Triệt tiêu giá trị hay khinh thường sự hoan lạc mới là vô luân.
Cha JP: Tôi đồng ý với chị ở điểm Thiên Chúa tạo nên sự khoái cảm như một điều tốt. Nhưng chúng ta cũng biết là chúng ta có thể tìm kiếm khoải cảm một cách ích kỷ. Chắc chắn chị sẽ không chấp nhận việc một người đàn ông đạt được khoái cảm cao độ trong việc cưỡng bức con gái mình đâu nhỉ?
BillyLu: Tất nhiên là không rồi, thưa cha. Nhưng đó lại không phải là khoái cảm đến từ sự đồng thuận giữa hai con người.
Cha JP: Vấn đề là: khoái cảm tự nó không phải là mục đích, nhưng là một động lực đi kèm. Khi chúng ta coi nó là cùng đích, chúng ta lầm lẫn khoái cảm với hạnh phúc, và do đó chúng ta sẽ biện minh cho mọi hình thức lạm dụng.
Quay trở lại với những thanh thiếu niên đau khổ, họ tìm thấy khoái cảm cao độ trong mối quan hệ xác thịt với bạn trai hay bạn gái mình. Tuy vậy, khoái cảm đó lại có thể đẩy họ đến chỗ tuyệt vọng, trầm cảm, tự sát hay thậm chí sát nhân. Chỉ vì hành vi tình dục đồng tính mang lại khoái cảm không có nghĩa là hành vi đó tự nó là tốt được.
Leslie: Nhưng, thưa cha JP, khoái cảm được tìm thấy trong tình dục đồng tính cũng bao gồm sự tốt luân lý khác: nó là phương thế của sự giao tiếp thân mật liên vị. Tương tác giữa người với người, bao gồm cả về mặt tính dục, là một điều tốt không có gì phải bàn cãi. Có lẽ cha thích sự độc thân, nhưng đời sống độc thân không dành cho tất cả mọi người. Nếu cha ép người đồng tính chúng tôi sống độc thân như cha, thì có nghĩa là cha đã tước đi khỏi chúng tôi một hình thái thân mật và kết nối với những con người khác.
Cha JP: Tôi không thể ép chị hay bất kì ai khác phải sống độc thân. Ngoài ra, tôi nhìn nhận độc thân như là một ơn gọi đặc biệt từ Chúa, điều đó cho phép tôi đạt được sự hiệp thông mật thiết liên vị với Người. Tôi tạ ơn Người vì điều này.
Giáo Hội là tổ chức đầu tiên đề cao sự kết hợp tính dục như là một nơi chốn đặc biệt để giao tiếp liên vị. Nó không chỉ đặc biệt, mà còn thiêng liêng nữa, nghĩa là sự kết hiệp này còn là nơi để gặp gỡ Chúa.
Nhưng nó có thể bị lạm dụng. Ép buộc sống độc thân hay ép buộc phải quan hệ không hề là điều tốt. Sự kết hợp thể xác giữa những con người đáng lý ra không có lí do gì để được nên thân mật, giữa anh chị em, hay giữa một người đàn ông và nhân tình của ông ta, đều không phải là chuyện tốt. Sự kết hợp thể xác trong các mối quan hệ này hoàn toàn trái ngược với mối quan hệ tinh thần và cảm xúc, vốn là điều cần được hiện diện thì đúng hơn.
Vì thế, thưa chị Leslie, chị muốn có được sự kết hợp thân mật liên vị, đó là điều rất tốt. Nhưng điều đó phải được thực hiện với người thích hợp, trong thời điểm thích hợp và bằng cách thế thích hợp, để cho sự kết hợp đó được tốt về mặt luân lý.
BillyLu: Nhưng sự kết hợp giữa hai người trưởng thành, đồng thuận với nhau và có cùng giới tính thì có gì là sai? Đó là câu hỏi chúng tôi muốn nêu ra.
Cha JP: Chúng ta hãy xem xét ví dụ tôi vừa nêu về một người đàn ông và nhân tình của ông ta. Cả hai có thể là hai người trưởng thành đồng thuận với nhau, nhưng điều đó không có nghĩa là hành vi của họ không hoặc sẽ không ảnh hưởng lên người khác. Chắc chắn nó sẽ tác động lên người vợ của ông ta, con cái họ và toàn thể xã hội nữa, vì giờ đây xã hội phải gánh thêm những phí tổn phát sinh từ một cuộc hôn nhân và một gia đình tan vỡ.
Vậy nên, hành vi được diễn ra giữa hai con người trưởng thành đồng thuận thì vẫn chưa đủ, nhưng nó còn liên quan đến công lý, bác ái, bình an và hạnh phúc nữa.
Tôi lại muốn chị hỏi câu này hơn: hành vi đó có đem lại hạnh phúc đích thực hay không? Khoái lạc thì khác với hạnh phúc đích thực lắm. Nếu hành vi ấy đem lại hạnh phúc, vậy tại sao lại có quá nhiều trường hợp trầm cảm, tự sát và những hành vi tự hủy diệt bản thân đi kèm với nó như vậy?
Leslie: Nhưng sự đồng tính luyến ái của chúng tôi đâu có đem lại những điều như thế. Đồng tính thật sự là cội nguồn của sự phát triển cảm xúc. Có được một mối quan hệ tình dục lãng mạn thúc bách chúng ta “bước ra khỏi chính mình”. Nó tạo nên sự đồng cảm, tính kiên trì, lòng quảng đại, cùng rất nhiều nhân đức nhân bản cao quý khác.
Cha JP: Tôi hiểu điều chị đang cố gắng diễn tả: tất cả chúng ta phải bước ra khỏi chính mình để có thể phát triển về tinh thần và cảm xúc, đó là điều quan trọng. Các mối tương quan – và mọi mối tương quan – giúp chúng ta làm được điều đó, dù cho đó có là mối tương quan với cha mẹ, anh chị em, hay ông bà, hoặc với đồng nghiệp đi nữa. Mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa cũng rất quan trọng như tương quan với tha nhân vậy: Thiên Chúa tạo ra người nữ để người nam không phải thấy cô đơn (St 2, 18), qua đó người nam thoát li ra khỏi chính mình.
Mỗi tương quan giúp chúng ta thoát li chính mình và tìm lại chính mình thông qua tặng phẩm chân thành dành cho người khác là bản thân ta. Mỗi tương quan nhân bản lành mạnh sẽ sản sinh ra các nhân đức, thậm chí mối tương quan giữa ông chủ và người làm cũng có thể làm được điều đó.
Tuy vậy, con người không cần tình dục để “bước ra khỏi chính mình”. Nếu có chi khác, nếu con người cần tình dục để được “thúc bách ra khỏi chính mình”, thì họ sẽ tự hỏi liệu giữa người với người còn có một sự cậy dựa lẫn nhau dựa vào cảm xúc hay không. Chúng ta tốt hơn là nên phát triển thái độ tích cực này: “tôi đạt được điểm tốt vì tôi là người đạo đức, chứ không phải vì cha mẹ cho tôi tiền để tôi ra sức học…”, hoặc là với khoái cảm tình dục cũng thế, trong trường hợp của một mối quan hệ tình dục không hề có ràng buộc hôn nhân.
Leslie: Nhưng hầu hết con người tìm được hạnh phúc khi được kề cặp ai đó đặc biệt. Hạnh phúc cá nhân thúc đẩy sự phát triển vững bền của xã hội, và các tương quan bền vững làm cho con người sống thọ hơn, mạnh khoẻ hơn, và được viên mãn hơn. Những ai đang có một mối quan hệ bền vững sẽ không phải chi trả quá nhiều cho dịch vụ y tế so với người độc thân, bởi vì họ khoẻ mạnh hơn cả về mặt thể chất lẫn tâm lý.
Cha JP: Tuy nhiên, trung bình người đồng tính nam và nữ lại có nhiều vấn đề về sức khoẻ thể chất lẫn tâm lý hơn, ít thọ hơn và đời sống cũng kém viên mãn hơn – ít ra đây là những gì mà các nghiên cứu khoa học cho thấy.
Vì thế, mặc dù các bạn ước ao có một mối quan hệ đồng tính lành mạnh, hạnh phúc và ổn định về cảm xúc, cũng như các bạn mong cho mối quan hệ ấy được vững bền và dài lâu, khuynh hướng thường thấy bởi các nhà nghiên cứu là các mối quan hệ đồng tính không hề đem lại hạnh phúc và sự bền vững mà người đồng tính hằng khao khát.
Leslie: Nhảm nhí. Có thể nhiều cặp đôi đồng tính “ít bền vững” hơn nhiều cặp đôi khác giới – vì có nhiều lí do cho chuyện này. Nhưng cá nhân tôi có biết một cặp đồng tính nam đã ở bên nhau trong một mối quan hệ thương yêu và chung thủy suốt hơn 20 năm trời… Vậy nên làm sao cha có thể bảo đó chỉ là một giấc mơ hoang đường cho được.
Cha JP: Chị có lý. Chúng ta có thể nghĩ đến một vài ví dụ về các phụ nữ sống “hạnh phúc” bên nhau trong các cuộc hôn nhân đa thê bền vững, dài lâu tại tiểu bang Utah hay Texas. Nhưng điều đó đâu chứng minh được rằng đó là chuyện tốt.
Hôn nhân liên chủng tộc và hôn nhân đồng giới
Leslie: Vậy còn hôn nhân liên chủng tộc thì sao, cha JP?
Cha JP: Có gì với chuyện đó ư? Tôi tưởng là chúng ta đang nói về các mối quan hệ đồng tính cơ mà? Hôn nhân giữa các chủng tộc có liên quan gì với nó không?
Leslie: Tôi nói điều này ra vì đó cũng là một vấn nạn rất giống với quan hệ đồng tính, thưa cha. Hãy xem này: Viện quản lý hôn nhân ở Mỹ đang trong tình trạng bất ổn trong nhiều năm qua. Li dị từng bị cấm đoán, từ cấm đoán người ta chuyển sang không khuyến khích nó và chỉ cho phép li dị trong một vài trường hợp bị bạo hành, và giờ đây thì người ta có thể li dị rất dễ dàng – thậm chí người phụ nữ cũng có thể đâm đơn li dị – và được nhà nước chấp thuận mà không cần chứng minh lí do. Sự bất công và đàn áp mà phụ nữ phải chịu đựng trong các cuộc hôn nhân đầy tính bạo hành giờ đây đã được giải quyết.
Hôn nhân liên chủng tộc là một vấn đề khác – những người Mỹ gốc Phi đã từng bị cấm không được cưới người gốc châu Âu mãi cho tới tận năm 1967, khi Toà Án Tối Cao hủy bỏ Virginia State Racial Integrity Act of 1924 (Luật của bang Virginia để ngăn ngừa “sự pha trộn” giữa người da trắng và người da đen), đó là vụ kiện Loving vs. Virginia.
Những lập luận chống lại hôn nhân liên chủng nói rằng hôn nhân như thế sẽ không đem lại điều tốt nhất cho con cái, rằng nó đi ngược với kế hoạch của Chúa về hôn nhân, và rằng hôn nhân liên chủng sẽ dẫn đến sự suy đồi đạo đức.
Đây là những lập luận có tính thù ghét mà người ta hay dùng để chống lại hôn nhân đồng tính đó, thưa cha JP.
Cha JP: Đây là một lời vu cáo khá nặng nề đó, chị Leslie. Dường như chị muốn nói là những điều tôi trình bày có tính thù ghét và nhất là thù ghét phụ nữ. Tôi đã nói gì để khiến chị phải có ấn tượng như thế?
Leslie: Cha tấn công các mối quan hệ đồng tính bằng sự cuồng tín, chính sự cuồng tín đó đẩy hết những người như chúng tôi ra lề xã hội.
Cha JP: Cuồng tín? Đẩy chị ra bên lề xã hội? Tôi chỉ đang cố mở ra một cuộc đối thoại cởi mở cho những vấn đề này. Chị đem Kinh Thánh ra tranh luận và tôi đã cho chị thấy người Công Giáo cũng như Kitô hữu truyền thống đọc hiểu Kinh Thánh như thế nào. Chị giả thiết rằng tôi coi chuyện đồng tính là sai trái vì đó là hành vi mang đầy rủi ro – nhưng tôi đâu có dùng kiểu lập luận đó, nhưng đúng hơn tôi tập trung vào việc giúp chị tìm thấy hạnh phúc đích thực.
Sau cùng, chị bảo vệ hành vi đồng tính như một điều tốt về mặt luân lý, và tôi đã cố thảo luận hợp tình hợp lẽ bằng cách trình bày một vài lập luận phản bác.
Giờ thì chị lại đem hôn nhân liên chủng ra và cáo buộc tôi có thái độ phân biệt chủng tộc.
Leslie: Nhưng công lý là công lý. Chúng tôi đang đấu tranh cho bình đẳng hôn nhân, không dựa trên chủng tộc nhưng dựa trên giới tính. Chúng tôi đang phải vất vả chật vật như những người anh chị em Mỹ gốc Phi để có thể có được quyền lợi tương đương như bao người khác. Cũng như người ta không thể chọn lựa chủng tộc cho mình, họ cũng không thể chọn lựa khuynh hướng tính dục nơi bản thân. Người ta không thể chọn lựa mình là người gốc Tây Ban Nha, cũng như họ không thể chọn lựa mình là đồng tính nữ.
Giờ thì ông nói BillyLu và tôi không thể kết hôn và không thể có được mối quan hệ tình dục yêu đương trọn đời. Có mỗi vài lời sáo rỗng mà ông cứ lập đi lập lại: “người đồng tính nữ như chị phải sống độc thân khiết tịnh, không còn lựa chọn nào khác. Nếu không, chị không xứng đáng…”
Margie: Này chị Leslie…chúng ta không cần phải thiếu tôn trọng trong việc thể hiện bản thân như thế.
Cha JP: Chị Leslie, tôi không có ý định làm tan vỡ mối quan hệ giữa chị và BillyLu. Sự thật là tôi không thể. Những gì giữa hai chị nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi. Tuy nhiên, tôi thật muốn hai người được tự do. Tôi muốn hai người được thật sự hạnh phúc, với niềm hạnh phúc vượt lên trên lạc thú chóng qua. Tôi muốn hai người được hạnh phúc cùng Thiên Chúa trên thiên đàng, và tôi cũng mong chờ ngày được tiếp chuyện với hai chị khi chúng ta ở trên đó.
Chị là đứa con yêu dấu của Chúa và Người có một kế hoạch tuyệt vời cho chị. Nhưng Chúa sẽ không ép chị đâu. Thực tế, Người sẽ chẳng bày tỏ kế hoạch đó cho chị tới khi chị quyết định tìm đến Người, mở cửa trái tim ra cho Người và đón nhận kế hoạch của Người.
Cùng với những lời này, tôi cũng không thể thay đổi kế hoạch của Chúa đối với hôn nhân:
[Chúa Giêsu] đáp : “Các ông không đọc thấy điều này sao: ‘Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ, và Người đã phán: Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.’ Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19, 4-6).
Từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã kết hợp người nam và người nữ với nhau trong mối dây hôn phối. Vì thế những gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân li. Tôi tin như thế. Tôi xin chị hãy tôn trọng những người như tôi, là những ai không thật sự tin vào những điều chị tin. Nếu chúng ta không thể tôn trọng lẫn nhau cũng như niềm tin của nhau, thì lúc đó “hoả ngục sẽ lan tràn”. Không ai trong chúng ta muốn điều đó. Vậy nên hãy tôn trọng lẫn nhau.
Cùng với chị, tôi lên án những ai muốn tái định nghĩa hôn nhân để loại trừ người nam và người nữ đến từ những chủng tộc khác. Điều đó không chỉ phân biệt chủng tộc, nhưng còn đi ngược lại với kế hoạch nguyên thủy của Chúa và định nghĩa của Người về hôn nhân.
Leslie: Vậy tại sao cha lại cho rằng hôn nhân giữa hai người cùng giới sẽ đe doạ xã hội, Giáo Hội và hôn nhân khác giới? Cha nghĩ rằng hành vi tình dục giữa tôi và BillyLu mạnh mẽ và có tính hủy diệt như vậy sao? Dường như cha cho rằng chúng tôi là những thành phần khủng bố Hồi giáo, sẵn sàng cho nổ tung thành phố New York và sau đó là hủy diệt thế giới bằng tình yêu mà chúng tôi dành cho nhau trong hành vi ân ái. Hành vi tình dục của chúng tôi có thể rất mãnh liệt, nhưng nó không thể nào có tác động như thế.
Cha JP: Chị Leslie à, tôi không coi cái điều gọi là “hôn nhân đồng tính” như là một hiểm hoạ, nhưng điều làm tôi và nhiều người khác lo lắng là nó sẽ ảnh hưởng lên xã hội, lên Giáo Hội và hôn nhân. Mọi thứ mà từng người chúng ta làm đều có tác động lên người khác và lên cả xã hội nữa. Liệu rằng “hôn nhân đồng tính” sẽ gây ra tai hoạ như lị dị bất kể lỗi lầm trong việc đẩy mạnh tỉ lệ li hôn và tạo ra nhiều đứa trẻ không được hạnh phúc lẫn bất ổn về mặt cảm xúc, chúng sẽ dễ bị lôi kéo vào chuyện nghiện ngập, quan hệ trước hôn nhân, tự tử, thậm chí học hành sa sút và kém thành công trong công việc hay chăng? Tôi không dám nói trước, nhưng chắc chắn nó sẽ để lại một tác động to lớn đấy.
Vậy là cha muốn sửa chữa chúng tôi
Leslie: Nhưng việc thiếu đi hôn nhân đồng tính sẽ để lại hậu quả tức thời cho tôi và BillyLu đấy. Cha chỉ cho chúng tôi duy nhất một lựa chọn, là sữa chữa chúng tôi. Cha không thật sự tôn trọng ai trong chúng tôi cả. Cha nghĩ rằng chúng tôi là những sản phẩm lỗi và do đó cần được tư vấn để sửa sang cho đàng hoàng, đúng không?
Cha JP: Không phải thế, chị Leslie. Tôi đâu có biết chị đủ rõ để tìm thấy những gì là vụn vỡ nơi chị đâu.
Chị là một linh hồn quý giá, được Chúa ban cho ân huệ và tài năng. Tôi thực muốn chị được hạnh phúc. Tôi cảm được rằng có gì đó thiếu vắng trong cuộc đời chị, nhưng tôi không muốn sửa dạy gì chị, trái lại tôi muốn giúp chị khám phá ra ân huệ của Chúa nơi chính mình. Tôi chỉ đang cố gợi ý để chị có thể tự hỏi bản thân những điều sau đây: tôi là ai? Tại sao Chúa dựng nên tôi? Ngài có yêu tôi và muốn bước vào một mối tương quan với tôi không? Nếu hôm nay tôi chết đi, thì cuộc đời tôi sẽ gây tác động ra sao đến thế giới này? Chúa Giêsu sẽ nói gì về tôi đây?
Leslie: Cha hãy nghĩ thử xem, cha sẽ cảm thấy thế nào nếu có người đề nghị với cha rằng cha nên đi xem tư vấn để sửa chữa bản thân? Có lẽ nếu như mọi chuyện trở nên khác đi với những gì đang diễn ra trong xã hội hiện nay – như là không có định kiến về người đồng tính – thì người ta có thể sẽ đề nghị cha đi gặp chuyên viên tư vấn để giúp cha thay đổi từ người có nhu cầu tình dục khác giới thành đồng giới. Chỉ cần một chút tư vấn và cha có thể thay đổi định hướng nơi bản thân mình, đúng không?
Không đời nào. Cha biết rõ các loại hình tư vấn không thể thay đổi bản thân được. Vậy tại sao cha nghĩ rằng người đồng tính chúng tôi cần phải đi gặp chuyên viên tư vấn để thay đổi? Cha có hiểu được cảm giác của chúng tôi khi những người như cha đề nghị như thế hay không?
Cha JP: Chị Leslie, BillyLu sẽ nói cho chị biết là tôi không hề đưa ra một đề nghị nào như vậy. Tôi đã cho cô ấy một số ý tưởng về cách để phát triển các mối quan hệ tốt đẹp hơn: với Thiên Chúa, gia đình và bạn bè. Các mối quan hệ này là nền tảng của bản dạng chúng ta, vì thế chúng ta có thể cải thiện bản dạng và cảm quan về chân giá trị của bản thân mình, bằng cách cải thiện các mối quan hệ đó. Tôi không hề bảo cô ấy cần được tư vấn để thay đổi.
Margie: Không phải là cha cũng nói với anh Jeremy là anh ấy cần gặp chuyên viên tư vấn hay sao?
Cha JP: Đó là một chọn lựa mà tôi trao cho anh ấy, như là một cách thế để chữa lành những cảm xúc tác động tới cách anh ấy tương quan với tha nhân. Chúng tôi đã thảo luận về một vài biến cố trong quá khứ anh ấy, là những lúc anh ấy bị tổn thương, và tôi muốn trao cho anh ấy một phương thế để giúp chữa lành những cảm xúc mà anh ấy cảm thấy rằng chúng đang làm tê liệt chính mình.
Leslie: Vậy ra cha thật sự đã thử tìm cách sửa chữa Jeremy, thế mà giờ đây cha lại nói là không muốn sửa chữa tôi. Cha nên nhất quán trong lời nói và việc làm đi chứ.
Cha JP: Để tôi cho chị một ví dụ toàn diện hơn về điều mà tôi đã gợi ý cho Jeremy. Nếu một người bị chứng tức giận không thể kiểm soát, thì cảm xúc không thể kiểm soát đó có thể sẽ rất độc hại cho các mối quan hệ của anh ta. Đi gặp chuyên gia tư vấn để học cách kiểm soát cơn giận và điều chỉnh cảm xúc của mình trong một cung cách lành mạnh có thể giúp anh ta cải thiện các mối quan hệ của mình, và qua đó cũng cải thiện bản dạng và cảm quan về chân giá trị của anh ta.
Phương pháp trị liệu cũng có thể hữu ích trong việc xác định và giải quyết những mâu thuẫn cảm xúc khác, xử lý các chứng bất an, buồn bã, lo âu, cô đơn cưỡng ép, vân vân. Bằng cách hỗ trợ chúng ta trong việc vén màn những chùm cảm xúc phức tạp này, trị liệu viên có thể giúp chúng ta phát triển một chiến lược để giải quyết và tái định hướng những cảm xúc đó, nhờ đó chúng ta có thể tương quan với tha nhân tốt hơn. Do đó, đây không phải là “sữa chữa” một con người, nhưng là giúp đỡ người đó phát triển một mạng lưới các quan hệ toàn diện và lành mạnh hơn, đó chính là nền tảng của bản dạng và cảm quan về chân giá trị của chúng ta.
Leslie: Nhưng người đồng tính biết điều gì là tốt và chính đáng trong một mối quan hệ. Chúng tôi không cần ai trợ giúp để gầy dựng tương quan. Đề nghị như thế sẽ giả thiết rằng người đồng tính là những kẻ vô luân và không có khả năng sống những mối quan hệ lành mạnh. Ví dụ như, kết nối việc loạn luân với người đồng tính là sai rành rành, bởi vì ngoài kia có nhiều trường hợp loạn luân khác giới hơn là loạn luân đồng giới.
Cha JP: Nếu mọi sự đều tốt đẹp và đúng đắn trong các mối quan hệ đồng tính, vậy chị giải thích thế nào đây, khi các mối quan hệ ấy thường xuyên đổ vỡ? Về việc loạn luân, đúng là có nhiều kẻ cưỡng hiếp khác giới hơn những kẻ cưỡng hiếp đồng giới, nhưng có thể đó đơn giản chỉ là những con số, bởi vì thực tế có nhiều người sống quan hệ khác giới hơn là đồng giới. Cho nên không cần biết đó là đồng giới hay khác giới, loạn luân và cưỡng hiếp đều là vô luân cả.
Leslie: Vậy cha giải thích thế nào về những đổ vỡ trong các mối quan hệ khác giới? Tại sao cha cứ khăng khăng rằng tình dục đồng giới là sai trái? Nó sai bởi vì Kitô giáo luôn dạy rằng hành vi đó là sai. Chỉ thế thôi, cha JP, chỉ có thế thôi. Đó là truyền thống con người. Cha không có một luận cứ nào hợp lẽ để phân ra sự khác biệt giữa tình dục đồng giới và tình dục khác giới. Cha không chứng minh được rằng cái này có lợi, cái kia có hại, cái này hợp với luân lý, cái kia thì vô luân.
Cha JP: Chị Leslie, các mối quan hệ đổ vỡ là do thiếu sự ổn định và trưởng thành về mặt cảm xúc, và thường xuyên là do tội mà ra. Đó là một sự đơn giản hoá quá mức, nhưng thường thì là vậy.
Còn về sự phân biệt giữa tình dục đồng giới và tình dục khác giới, chị nói đúng: tôi chưa hề làm rõ sự phân biệt giữa hai hành vi tình dục trên. Bởi đó không phải là chủ đề lý luận của tôi.
Lí lẽ mà tôi luôn dùng từ đó tới giờ là sự phân biệt giữa tình dục ngoài hôn nhân và tình dục trong hôn nhân, bởi vì đó mới là điều ta tranh luận. Tình dục ngoài hôn nhân luôn là vô luân, dù là với đàn ông, đàn bà, thú vật hay thủ dâm cũng thế.
Leslie: Nhưng rồi cha loại trừ tình dục đồng giới bởi vì cha loại trừ hôn nhân đồng giới. Làm như thế là cha đã chối bỏ các mối quan hệ thăng hoa đối với người đồng tính chúng tôi, mà không hề dùng đến một lí lẽ nào khác ngoại trừ “bởi vì đó là điều chúng ta đã luôn làm”.
Cha JP: Leslie…Leslie…chị lại thay đổi đề tài tranh luận nữa rồi.
Leslie: Chính thái độ này mới đáng phải bị loại bỏ, bởi vì nó hắt hủi con người chỉ vì các mối quan hệ yêu đương, đầy lòng thương xót và quan tâm săn sóc lẫn nhau mà họ có. Đó là sự cự tuyệt con người chỉ vì họ khác biệt, khác biệt ở chỗ họ cảm thấy được lôi kéo để trao ban bản thân cách quảng đại cho người khác bằng cách thức thân mật đầy cảm xúc trong cả tinh thần lẫn thể xác mà mấy người thấy là không thể chấp nhận được, chỉ vì cách thức ấy khác biệt.
Chúng ta cần phải loại trừ thái độ này cũng như chúng ta nên loại trừ sự chống đối hôn nhân liên chủng, vì nó ương ngạnh và không đúng đắn chút nào.
Những kẻ nào gọi người đồng tính và tình dục đồng tính là vô luân thì chính kẻ đó đã vô luân cách trầm trọng. Thật là đồ biến thái khi lên án người ta chỉ vì họ yêu thương người khác. Gây nên đau thương và thống khổ cho người khác mới là vô đạo đức, là đặt họ dưới sự thống trị của những lời đe doạ và sự sợ hãi, chỉ vì họ chọn yêu thương. Đó là một tội ác khi nhốt con người ta vào buồng tối, không cho họ được là chính mình, không cho họ được sử dụng tài năng của mình vì ích lợi của người khác.
Đây chính là tội ác mà loại người như ông đã đem đến trên thế giới này. “Đạo đức số đông” ư – phải rồi – vô đạo đức số đông thì có.
Margie: Chị Leslie, hãy để cho cha JP trả lời cái đã…
Leslie: Để làm gì cơ chứ, ông ta sẽ cứ tiếp tục công kích tôi và sự đồng tính của tôi thôi.
Cha JP: Chị Leslie, tôi có thể thấy là chị đang nổi đoá với tôi. Tôi không có ý nói bất kì điều gì xấu xa hay gây thương tổn cả. Tôi cũng không có ý nói bất cứ thứ gì mà có thể bị xem là một sự công kích đối với chị trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tôi thật sự quan tâm tới chị và muốn chị được hạnh phúc mà thôi. Nhưng nếu tôi phớt lờ thực tại thì tôi sẽ thật sự là kẻ dối trá.
Leslie: Ông nói ông quan tâm đến tôi, nhưng tất cả những gì ông làm là công kích chúng tôi. Ông công kích chúng tôi bằng cách tấn công và kết and mối quan hệ yêu đương giữa tôi và BillyLu. Đây mới là thực tại mà ông thật sự đã phớt lờ đấy.
Cha JP: Nhưng chị Leslie à, khát vọng có được một mối quan hệ yêu đương, tinh tế và an toàn đã đẩy chị vào một thế giới ảo vọng. Dường như chị chỉ muốn thấy điều ủng hộ cho ảo mộng này. Nó giống như một người nam hay một người nữ chuẩn bị cho đám cưới vậy – họ làm mọi thứ có thể để tạo nên một đám cưới đẹp như tranh vẽ, trong khi đó họ lại không thể thấy được là đám cưới này sắp trở thành một thảm hoạ. Ảo vọng về một đám cưới hoàn hảo đã che phủ tầm nhìn về những khuyết điểm tai hại nơi người bạn đời tương lai. Người như thế chỉ hạnh phúc trong cái ảo mộng về một đám cưới hoàn mỹ mà thôi, chứ không phải trong một mối quan hệ yêu đương nào hết.
Leslie: Ông đang xúc phạm tôi đấy, JP. Ông cho rằng khát khao có được một mối quan hệ yêu đương và bền vững của tôi chỉ là một ảo mộng. Nhưng tôi biết khát khao đó không thể nào thật hơn. Khi chúng tôi gặp nhau tại nhà thờ ngày hôm ấy, tôi biết không có gì có thể làm tôi được viên mãn ngoại trừ BillyLu.
Cha JP: Hai chị xem ra rất khao khát có được một mối quan hệ yêu thương, đằm thắm, thân mật với một ai đó, và đó là một khát vọng chính đáng. Tất cả chúng ta đều khao khát điều đó. Nhưng, tìm kiếm sự thành toàn cho khát vọng đó bằng một người đồng giới với mình khiến cho chị chỉ có thể thấy được phần thực tại phù hợp với ảo mộng đó mà thôi. Do đó, khi đọc Kinh Thánh, chị chỉ tìm kiếm những đoạn, những câu xem ra phù hợp với ảo mộng của chị, nhằm mục đích triệt tiêu sự kết án tình dục đồng tính trong Kinh Thánh – cho nên trong thế giới ảo vọng của chị đây, cụm từ “to know” (biết) chỉ mang nghĩa quan hệ tình dục.
Ảo vọng của chị xem ra đã giới hạn tầm nhìn của chị về những rủi ro trong tình dục đồng tính. Chị chỉ thấy rằng tình dục đồng tính nữ không nguy hại nhiều cho bằng tình dục khác giới và làm tình bằng hậu môn, nhưng rồi chị lại không nhìn thấy những người đồng tính nữ vẫn mắc các bệnh truyền nhiễm với tỉ lệ cao hơn so với tổng dân số phụ nữ.
Ảo vọng của chị muốn xã hội phải thay đổi quan niệm về hôn nhân, nhờ đó chị mới có thể có được một mối quan hệ đẹp như tranh vẽ.
Margie: Và ảo vọng của chị đã khiến chị coi cha JP như là một kẻ kì thị mù quáng. Chị vẫn chưa công nhận rằng cha đang rất cố gắng để có thể tinh tế và nhạy bén với chị và những mối bận tâm của chị đấy.
Leslie: Mấy người nghĩ mối quan hệ giữa tôi và BillyLu là mộng ảo, nhưng nó là thật và mấy người không thể chấp nhận được sự thật đó thì có.
Cha JP: Có thể mối quan hệ giữa chị và BillyLu cũng là ảo mộng luôn. Có thể chị chỉ đang lợi dụng cô ấy để hiện thực hoá mối quan hệ ảo mộng mà chị hằng muốn có với mẹ mình khi còn nhỏ cho tới nay. Vì chị không thể có được điều đó, cho nên chị đang cố tái thiết toàn bộ thế giới để có được nó.
Leslie: Ông lấy đâu ra cái thứ nhảm nhí này vậy, JP? Tôi không cần bất kì mối quan hệ ảo vọng nào với mẹ tôi cả. Mối quan hệ giữa chúng tôi rất bình thường. Cái trò phân tâm chết tiệt của ông mới thật là ảo vọng.
Cha JP: Tôi không hề sử dụng bất kì thuật phân tâm nào cả. Tôi chỉ đang cố chỉ ra rằng chị đang có một cách nhìn đời rất kì cục và rời rạc, chị chỉ để mắt tới điều chị muốn thấy mà thôi.
Leslie: Tôi yêu mẹ tôi và chúng tôi luôn có quan hệ tốt đẹp. Cho dù ông có cố cách mấy đi chăng nữa, ông cũng không thể ép tôi vào trong phạm trù phân tâm định kiến của ông đâu.
BillyLu: Đợi đã, chị Leslie, chị làm gì có quan hệ tốt đẹp với mẹ chị. Chị đã từng kể cho em nghe là chị ghét và khinh bỉ bà ấy.
Chị kể cho em rất rõ ràng là bà ấy không hề ở bên cạnh chị trong suốt thời gian trưởng thành, nhưng trái lại bà ấy luôn dành thời gian cho những gã bạn trai mới. Chị đã nói rõ là bà ấy chưa hề bày tỏ sự dịu dàng và thương xót mà chị luôn mong ước, thay vào đó bà ấy lúc nào cũng khắc nghiệt và chỉ biết đòi hỏi. Rất nhiều khi chị nói với em rằng chị ao ước được bà nâng niu ôm ấp; nhưng rồi chị chỉ thấy bà ấy bày tỏ những cử điệu đó với bạn trai, và điều đó làm chị căm giận.
Chị ghét bà ấy vì bà không đem lại cho chị cảm giác an toàn; chị ghét bà bởi vì những gã bạn trai của bà đã ngược đãi chị cả về ngôn từ lẫn thể xác như thế nào, và bà đã mắng nhiếc chị khi chị kể cho bà nghe mình bị lạm dụng tình dục ra sao.
Leslie: Giờ thì tất cả mọi người đều chống lại tôi… Tất cả đều nghĩ rằng tình yêu của chúng tôi là mộng ảo, rằng hành vi tình dục của chúng tôi cũng là mộng ảo nốt.
Cha JP: Nhưng đối với nhiều người, tình dục là một sự thay thế, một ảo vọng, cho tình yêu…
Leslie: Cứ làm như là ông biết về tình yêu và tình dục vậy. Linh mục các ông chỉ muốn mọi người phải “thánh thiện” và độc thân khiết tịnh như ông – những kẻ thánh thiện không biết đến tình dục! Đối với các người, tình dục là thứ xấu xa, đặc biệt là tình dục đồng tính. Tôi không thể hiểu nổi làm thế nào mà những gì tôi thực hiện trên giường lại bằng cách nào đó có thể hủy diệt thế giới và xã hội chúng ta.
Cha JP: Tình dục không hề xấu xa, chị Leslie – tội lỗi mới xấu xa. Và mọi thứ tội đều sinh ra ghen ghét và chia rẽ trong thế giới này. Nó làm cho người ta lơ là trong việc chăm sóc trẻ em, cũng như khiến chúng bị lạm dụng; nó làm cho bao gia đình phải tan vỡ và khơi dậy ước muốn trả thù; nó sản sinh ra chiến tranh và gây nên cái chết cho bao người vô tội bằng bạo lực.
Tình dục không phải là điều xấu, nhưng có nhiều người trong xã hội chúng ta tự huyễn hoặc rằng tình dục là tình yêu. Họ nghĩ rằng có làm tình thì mới là yêu. Đời sống của họ chỉ toàn là tình dục, nhưng lại chưa hề trải nghiệm được tình yêu chân chính. Tình dục làm tê dại những nỗi đau, tuyệt vọng, cô đơn và sự vô nghĩa trong đời họ, nhưng thực chất nó lại chỉ là một ảo vọng, một sự trốn chạy khỏi thực tại mà thôi.
Còn có nhiều người khác tuy chưa từng quan hệ tình dục nhưng đời sống họ lại tràn ngập tình yêu, với những mối quan hệ yêu thương săn sóc. Tôi nhớ đến Mẹ Teresa, người đã đi ra các con đường ở Calcutta để mang về chăm sóc những người bệnh và những kẻ sắp chết – đời sống của Mẹ tràn ngập tình yêu. Tôi nghĩ về em gái tôi, cô ấy chưa hề kết hôn, nhưng lại là một người dì đáng mến của rất nhiều đứa cháu; cuộc đời cô ấy được đong đầy bởi rất nhiều người mến yêu cô, cả đồng nghiệp lẫn bạn thân – nhiều người trong số họ đã trở thành tu sĩ, nữ tu và linh mục: cô ấy là một nữ tu đã dành thời gian đi đến Mexico để giúp đỡ người nghèo, làm những việc lặt vặt cho một dòng tu địa phương, hoặc là trợ giúp mục vụ cho những tù nhân không có bạn bè thân thích.
Dù rằng đời họ không phải là không có khó khăn, họ lại không cần chạy trốn vào trong thế giới vọng tưởng tình dục – cuộc đời họ vẫn chan chứa tình yêu.
Leslie: Tình yêu là gì?
Leslie nhún vai. Im lặng tràn ngập không gian.
Leslie đẩy ghế vào chỗ cũ, ném vài đô-la lên bàn và rời đi. BillyLu có vẻ lưỡng lự, cô ấy nhìn xuống, rồi cũng đứng lên và bước ra ngoài. Trước khi ra khỏi cửa, cô ấy đưa ánh mắt bất lực, lướt nhanh nhìn về Margie.
Đôi mắt của Margie đã đẫm lệ, nhưng cô ấy chẳng nói gì. Trong tiệm pizza ồn ào ấy, cha JP dâng lời cầu nguyện cùng Margie, xin Chúa tha thứ cho mình vì đã thất bại trong việc thấu hiểu Leslie và BillyLu, và vì đã không thể hiện được tình yêu của Chúa Kitô cách đúng đắn cho họ thấy. Cha JP và Margie cầu xin Chúa bù đắp những lỗi lầm của họ, và xin Người soi sáng để tất cả đều có thể tìm kiếm chân lý trong bác ái.
Leave a Reply