Thần học thân xác của người nữ
Mẫu gương của những người nữ như thế có thể được tìm thấy trong dòng lịch sử. Trong thế kỷ 16, thánh Têrêsa Avila, tiến sĩ Hội thánh, đã có công cải tổ Giáo hội trong thời kì hỗn loạn và suy thoái. Được biết đến là người có đời sống cầu nguyện thần bí, thánh nữ là chủ đề của một trong những bức tượng điêu khắc có lẽ là đẹp nhất trong lịch sử: tác phẩm “cơn xuất thần của thánh Têrêsa của điêu khắc gia Bernini. Trong tác phẩm này, điêu khắc gia mô tả thánh Têrêsa đang trải qua một lần cầu nguyện thần bí sâu thẳm nhất. Ngài không có vẻ gì ảm đạm hay chiêm niệm. Trái ngược là đằng khác. Christopher West giải thích rằng:
Được tưởng niệm trên đá, ta thấy thiên thần tình yêu đang đâm mũi tên vào trái tim đã được chuẩn bị sẵn sàng của thánh Têrêsa. Mặt ngài – được điêu khắc tinh xảo bởi Bernini – nói lên câu chuyện thần bí của một người, như thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II mô tả, “đang thưởng nếm một sự hòa quyện đầy nghịch lý giữa đau đớn và hạnh phúc”, giống như “cảm giác của Chúa Giêsu trên thập giá” (NMI 27). Chỉ có người mù hoặc thiếu hiểu biết mới không nhận ra thánh nữ như một cô dâu đang trong cực điểm vui sướng khi được hiệp nhất với chú rể.[33]
Hình ảnh một nữ tu dường như bị mất phương hướng trong lời cầu nguyện có thể bị coi là gây tai tiếng. Nhưng ta phải nhớ rằng Kinh Thánh mô tả sự hiệp nhất nên một thân xác giữa vợ và chồng là một mầu nhiệm vĩ đại, liên quan mật thiết với Chúa Kitô và Hội thánh của Người (Ephêxô 5, 31-32). Qua việc giảng dạy điều này, thánh Phaolô không có ý nói tình yêu của Chúa dành cho ta là tình yêu xác thịt, nhưng đúng hơn, tình yêu của Chúa thì thân mật và phủ lấp đến nỗi, trong toàn bộ kinh nghiệm của con người, chỉ có sự hiệp nhất giữa vợ và chồng mới diễn tả đúng nhất. Thông qua sự hiệp nhất thân mật này, cũng như qua đời sống thiêng liêng đẹp đẽ của thánh Têrêsa, tình yêu của Chúa dành cho Giáo hội trở nên hữu hình.
Trong thế kỷ 20, ta lại có một tấm gương đẹp đẽ của thánh Têrêsa Benedicta Thánh Giá, thường được nhớ là Edith Stein. Dù bà được nuôi nấng trong một gia đình Do Thái sùng đạo, bà lại tự coi mình là vô thần khi đến tuổi thiếu niên, và sau đó bà nhớ lại rằng “một cách cố tình và có ý thức, tôi đánh mất thói quen cầu nguyện.”[34]
Bà được ban cho một bộ óc siêu việt, và bà nhận bằng tiến sĩ triết học sau khi trở thành một trong những người phụ nữ đầu tiên được nhận vào học đại học tại Đức. Edith cải đạo sang đức tin Công giáo sau khi đọc tiểu sử của thánh Têrêsa Avila, và tiếp tục theo đuổi cuộc đời học vấn bằng việc giảng thuyết, dạy học, viết sách và dịch thuật. Trong những tác phẩm được xuất bản, bà khuyến khích phụ nữ hãy tác động lên xã hội, chính trị và cấp giáo dục cao hơn bằng cách thay đổi chính họ nhờ vào món quà nữ giới độc đáo của mình – như thánh Gioan Phaolô II gọi là “thiên tài nữ tính” (feminine genius).[35]
Edith Stein cảm thấy có ơn gọi tu trì, và quảng đại đáp trả lời mời gọi đó, bà gia nhập dòng Carmel. Tuy vậy, chỉ 7 năm sau khi bà vĩnh khấn, bà bị phát xít Đức bắt giam và bị xử tử trong phòng hơi ngạt của 1 trại tập trung. Được biết đến nhờ trí tuệ thâm sâu và tình yêu từ mẫu cho tha nhân, thánh Têrêsa Benedicta Thánh Giá, như thánh Têrêsa Avila, hiệp nhất đời sống cầu nguyện chiêm niệm với một đời hoạt động biến đổi xã hội. Cũng cần chú ý là các bài viết của Edith Stein về người nữ ảnh hưởng tới một triết gia Châu Âu, Karol Wojtyla, người sau này trở thành Giáo hoàng Gioan Phaolô II.
Khi đã quan sát kĩ lưỡng rằng phụ nữ quả là một phúc lành lớn lao cho thế giới, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II viết rằng: “Nhân loại nợ một món nợ khổng lồ không thể trả nổi đối với truyền thống nữ tính vĩ đại và to lớn này. Tuy vậy, nhân loại đã vẫn chỉ đang trân trọng người nữ vì diện mạo của họ, chứ không vì kĩ năng, sự chuyên nghiệp, tri thức, sự nhạy cảm, hay nói cách khác, nhân phẩm con người của người nữ!”[36]
[33] Christopher West, Heaven’s Song (West Chester, PA: Ascension Press, 2008), 114.
[34]As quoted in Pope Benedict XVI’s “Address on the Occasion of the XX World Youth Day,” Thursday, 18 August 2005.
[35] John Paul II, Letter to Women, 29 June 1995.
[36] Ibid.
Leave a Reply